.

Tìm hướng đi cho sầu riêng

Cập nhật: 12:37, 13/12/2019 (GMT+7)

Sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái có diện tích và hiệu quả kinh tế tăng nhanh nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tìm một giải pháp bền vững cho sản xuất và tiêu thụ sầu riêng cũng là một bài toán khó.

Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại tương đối cao, nhưng phát triển bền vững vẫn còn nhiều việc phải làm. 	                    					                                          Ảnh: HỒNG LÊ
Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại tương đối cao, nhưng phát triển bền vững vẫn còn nhiều việc phải làm. Ảnh: HỒNG LÊ

Nhiều nội dung liên quan đã được đưa ra tại Tọa đàm tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 10-12 cho thấy, bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại lớn hay diện tích tăng nhanh, xoay quanh câu chuyện sản xuất và tiêu thụ sầu riêng vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi.

Đánh giá sơ nét về tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, Tiền Giang hiện có trên 13.000 ha trồng sầu riêng, tập trung nhiều tại: TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành và huyện Cái Bè; trong đó huyện Cai Lậy trồng sầu riêng nhiều nhất, chiếm trên 76% diện tích. Với năng suất bình quân 25 tấn/ha, giá bán bình quân 57.500 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng có thể mang về mức lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Xét về hiệu quả kinh tế, sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân 1 ha sầu riêng có thể thu được lợi nhuận khoảng 924 triệu đồng/năm; cao gấp 17 lần so với trồng lúa, 5,4 lần so với rau màu, 2 lần so với thanh long, 1,4 lần so với xoài và 1,5 lần so với bưởi da xanh. Nếu sầu riêng được thu hoạch nghịch vụ, lợi nhuận mang lại có thể cao hơn 1,7 lần so với chính vụ…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, diện tích trồng sầu riêng trên mỗi nông hộ không lớn, bình quân chỉ khoảng 0,25 ha, rất ít hộ dân có diện tích trồng sầu riêng trên 1 ha nên chưa đáp ứng đủ sản lượng theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, do trái sầu riêng không đồng đều về hình thái, chưa ổn định về chất lượng, cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Dưới góc nhìn của nhà nông, cây sầu riêng đã và đang mang lại cuộc sống ổn định, khấm khá hơn trước cho rất nhiều nông hộ. Ông Ngô Công Vũ, nhiều năm trồng sầu riêng đánh giá, một hộ trồng sầu riêng có diện tích khoảng 2.000 m2, với khoảng 50 gốc, có sản lượng trung bình đạt từ 3,5 - 4 tấn trái, sau khi trừ chi phí, mỗi năm có thể thu được lợi nhuận từ 130 - 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều đáng lo của nhà vườn hiện nay, ngoài giá bán không ổn định, còn có yếu tố khác. Theo ông Vũ, hiện nay trên thị trường vật tư nông nghiệp rất đa dạng, có rất nhiều đại lý vật tư nông nghiệp nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều sản phẩm, thuốc… chất lượng kém, gây ra thiệt hại lớn cho nhà vườn.

Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại tương đối cao.                                                                                                        Ảnh: Lập Đức
Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại tương đối cao. Ảnh: Lập Đức

Nhìn vào yếu tố thị trường tiêu thụ, đại diện Công ty TNHH MTV XNK Như Thủy Tiên cho rằng, sầu riêng hiện tại được tiêu thụ tại các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất, chiếm đến 80% tổng sản lượng được tiêu thụ.

Nhìn từ thực tế tiêu thụ vừa qua cũng cho thấy, giá cả của sầu riêng thường không ổn định, thường xuyên biến động do cạnh tranh giữa các thương lái, nhà vườn lo lắng không bán được, sợ rớt giá, nên dẫn đến tình trạng sầu riêng đồng loạt bị thương lái và nhà vườn cho phép cắt trái chưa chín, không đủ chất lượng.

Chính vì giá trị chất lượng sầu riêng đang gặp vấn đề, đẩy giá tăng cao, nên những sản phẩm chế biến từ sầu riêng cũng chưa được chú trọng, quan tâm nhiều và sản phẩm cũng chưa đa dạng. Ngoài ra, còn có yếu tố tác động từ chính thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn là Trung Quốc cũng tạo nên tâm lý bất an cho người sản xuất cũng như bị động cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Đánh giá một cách tổng thể hơn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, có chất lượng và giá trị kinh tế mang lại tương đối cao. Giống sầu riêng được trồng tại các địa phương trong tỉnh có đến 97% là các giống hạt lép: Ri6, Chín Hóa, Dona…; trong đó giống RI6 chiếm đến 50%.

Một trong những điểm mạnh trong sản xuất sầu riêng của Tiền Giang là khí hậu, thủy văn tương đối thuận lợi, có vùng nguyên liệu tập trung, nguồn cung sản phẩm lớn, nông dân có trình độ và kỹ thuật canh tác đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường, sản xuất theo GAP, cũng như giàu kinh nghiệm trong xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch…

Tuy nhiên, cũng như các loại nông sản khác, sầu riêng cũng có thị trường tiêu thụ không ổn định, năng lực chế biến yếu, sản phẩm chủ yếu bán tươi và phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Chưa kể, tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, chưa liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Mặc dù vậy, dựa trên những tiềm năng và dư địa, trong định hướng phát triển được đề cập trong Đề án Phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, dự kiến diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh đạt từ 14.000 - 16.000 ha, sản lượng đạt từ 310 ngàn đến 336 ngàn tấn. Đi cùng với diện tích, sản lượng tăng là những giải pháp canh tác, ứng dụng kỹ thuật cũng đã được bàn thảo…

ANH PHƯƠNG

.
.
.