.

Nông sản chờ tết

Cập nhật: 20:15, 08/01/2020 (GMT+7)

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề. Đây là thời điểm nông dân tích cực chăm sóc nông sản để đưa ra thị trường tết. Năm nay, một số loại nông sản được nhiều thương lái “săn lùng”, nhưng cũng có loại đang phải chờ…

Khóm phụng, khóm son đắt hàng

Ông Hà Văn Bảy (ấp Mỹ Lợi, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) là một trong những hộ có thâm niên trồng khóm phụng, khóm son, khóm đầu rồng lâu năm và trồng nhiều nhất trên địa bàn huyện. Năm nay, gia đình ông tiếp tục trồng 2.000 gốc khóm phụng, 50 gốc khóm son và 30 gốc khóm đầu rồng. Mấy ngày qua, thương lái khắp nơi liên tục tìm đến gia đình ông để đặt mua những trái khóm “độc”, “lạ” cung cấp cho thị trường tết. Không thể chờ đợi đến những ngày giáp tết, gia đình ông quyết định bán “xô” cả vườn. Thương lái mua với giá 160 ngàn đồng/trái khóm phụng, 12.000 đồng/trái khóm son và 25.000 đồng/trái khóm đầu rồng.

Ông Hà Văn Bảy đang tích cực chăm sóc khóm phụng để giao cho thương lái.
Ông Hà Văn Bảy đang tích cực chăm sóc khóm phụng để giao cho thương lái.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn, ông Bảy cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi, xử lý trái không như ý muốn, nhiều trái không đẹp nên giá không cao. Nếu một trái khóm phụng đẹp, hoàn chỉnh có giá từ 500 ngàn  đến 700 ngàn đồng, tuy vậy, việc bán “xô” có lợi hơn, bởi nếu thương lái lựa trái đẹp thì những trái loại ra cũng bị bỏ. Năm nay, 2.000 gốc khóm phụng của ông chỉ bán được 50 trái, tính ra được 8 triệu đồng, khóm son cũng bán được vài trăm ngàn đồng. Số tiền trên cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng
khóm thường.

Xoài cát Hòa Lộc thất mùa tết

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Thực cho biết, năm nay người trồng xoài cát Hòa Lộc tiếp tục thất mùa tết. Nguyên nhân, nông dân xử lý vụ nghịch để cung cấp cho thị trường tết đạt tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 30% - 35%. Vì thế, giá xoài cát Hòa Lộc đang khá cao. Hiện nay, thương lái mua tại vườn với giá dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/kg.

Gần đó, ruộng khóm phụng rất đẹp của ông Hà Kim Hoài cũng đã bán cho thương lái với giá 180 ngàn đồng/trái. Ông Hoài cho biết, ruộng khóm chưa đầy 1 công mà bán được 80 trái khóm phụng, thu được gần 15 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với người trồng khóm; bởi 1 công trồng khóm thường nơi đây chỉ thu lãi được vài triệu đồng. Trong thời gian tới, ông Hoài dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng khóm phụng và đầu tư nhiều hơn cho khâu chăm sóc để đáp ứng nhu cầu tết tốt hơn”.

Cũng tại xã Thạnh Mỹ, bà Nguyễn Thị Linh (ấp Mỹ Lợi) trồng khóm son để phục vụ thị trường tết. Bà Linh cho biết: “Mỗi năm, khóm son chỉ cho trái một vụ duy nhất vào dịp tết nên nông dân phải chăm sóc để cho thu hoạch vào khoảng ngày 23 - 27 tết. Năm nay, với giá bán cho thương lái 8.000 - 12.000 đồng/trái tại ruộng, sau khi trừ chi phí, 1 công đất trồng khóm son thu lãi khoảng 7 triệu đồng, cao hơn trồng khóm thường”.

Những nông dân trồng khóm cho biết, việc trồng khóm phụng, khóm son, khóm đầu rồng đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc nhiều. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho một trái. Vì vậy, muốn có khóm bán đúng dịp tết, từ khoảng tháng 2 ân lịch người dân bắt đầu trồng cây giống, đến đầu tháng 9 âm lịch tiến hành xử lý cho khóm ra hoa bằng cách dùng khí đá hòa tan với nước để tưới cho khóm. Bên cạnh đó, người trồng phải tưới nước đầy đủ, phòng trừ các loại côn trùng gây hại và phải che trái khi nắng nhiều (để không bị nám).

Theo một cán bộ UBND xã Thạnh Mỹ, hiện nay trên địa bàn xã Thạnh Mỹ có khoảng 2 ha của 20 hộ trồng khóm phụng, khóm son, khóm đầu rồng. Trong đó, nhiều hộ trồng nổi tiếng như: Ông Hà Văn Bảy, Hà Kim Hoài, Nguyễn Văn Trung… Các loại khóm này trồng nhiều ở ấp Mỹ Lộc và Mỹ Thuận. Về đầu ra, thương lái từ nhiều nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai… tìm đến tận vườn đặt tiền cọc trước và chờ đến ngày thu hoạch.

Khóm phụng, khóm đầu rồng có yêu cầu về hình dáng rất cao nên số trái đẹp mỗi vườn chỉ chiếm khoảng 20% - 30%. Vì vậy, giá bán cao hơn khóm thường rất nhiều.

“Săn lùng” bưởi thúng

Vài năm trở lại đây, mỗi khi đến gần tết, các doanh nghiệp, thương lái “săn lùng” bưởi thúng ở xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để bán kiếm lời hoặc tặng chưng trong những ngày tết. Năm nay, gia đình ông Võ Văn Nhì (ấp 4) tiếp tục có 10 cây bưởi thúng cho trái sai và đúng dịp tết. Ông Nhì cho biết, thương lái vừa đặt cọc lựa mua 10 trái với giá 700 ngàn đồng/trái, 20 trái có giá từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/trái. Tính ra lợi nhuận cao gấp 5 - 7 lần so với trồng bưởi da xanh; bởi loại bưởi này không cần đất trống, có thể trồng xen với các cây trồng khác trong khu vườn.

Trái bưởi thúng của ông Võ Văn Nhì bán được 700 ngàn đồng.
Trái bưởi thúng của ông Võ Văn Nhì bán được 700 ngàn đồng.

Hiện nay, ông Nhì đang chiết trên 50 gốc để trồng xen rải rác trong vườn. Ông Nhì tâm sự: “Trồng bưởi thúng thấy ham lắm, nhưng không phải ai trồng cũng đạt. Bưởi này chỉ để chưng tết, ăn không ngon. Vì vậy, việc xử lý trái to, đẹp và đúng ngay dịp tết có yếu tố quyết định đến sự thành công”.

Gần đó, ông Ngô Văn Tám là hộ tiên phong đem cây bưởi thúng về trồng ở vùng đất này. Thấy đẹp, ông chiết nhánh và nhân rộng đến ngày nay. Không những trồng trong vườn, ông còn chiết nhánh tặng hoặc bán cho các hộ dân có nhu cầu trong khu vực. Ông Tám là người xử lý bưởi thúng đạt số lượng rất cao.
Hiện nay, vườn bưởi thúng của ông Tám có trên 30 gốc. Trong vụ tết này, gia đình ông bán được 115 triệu đồng. Với việc cây bưởi thúng không chiếm nhiều diện tích, trồng xen trong vườn bưởi da xanh và chi phí không nhiều nên lợi nhuận mang lại rất cao.

Theo những người trồng bưởi thúng, sau vụ trước, thương lái, doanh nghiệp thường hợp đồng cho vụ sau. Vì vậy, số lượng bưởi tồn đọng rất ít, có chăng chỉ là bưởi không đẹp, trái nhỏ. Chính điều này, thương lái có tìm đến hỏi mua vào những ngày gần tết cũng không có.

Sở dĩ người ta gọi bưởi thúng vì trái rất to. Ruột bưởi màu đỏ, múi to nhưng có vị chua hơn các loại bưởi khác. Khi chín, bưởi ngả sang màu vàng rất đẹp. Mỗi trái nặng từ 5 - 7 kg.

Rau màu dồi dào

Người dân trồng rau ở xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang hối hả hơn bao giờ hết cho khâu chăm sóc nhằm cung ứng cho thị trường vào những ngày
giáp tết.

Bà Nguyễn Thị Tươi (ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa) cho biết, gia đình có 6 công đất chuyên trồng các loại rau màu… Riêng vụ tết, gia đình chỉ trồng khổ qua, dưa leo để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Bởi đây là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, cho thu hoạch sau khoảng 35 - 40 ngày trồng đối với dưa leo, khoảng 45 - 60 ngày đối với khổ qua. Vì vậy, nông dân thường canh thời điểm gieo hạt để thu hoạch sao cho đúng ngay dịp tết. Có năm những ngày giáp tết khổ qua --hút hàng, giá tăng lên khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, người trồng lãi rất cao.

Theo ghi nhận, bên cạnh khổ qua, dưa leo, các loại rau ăn lá cũng được nông dân trên địa bàn tỉnh trồng tập trung như: Cải ngọt, hành, rau thơm và cải làm dưa. Đây là những sản phẩm được nông dân chọn lựa trồng khá nhiều nhằm cung ứng cho thị trường tết. Mặc dù giá bán chưa được thương lái đưa ra nhưng nông dân kỳ vọng rau màu sẽ được mùa, được giá vụ tết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích rau màu từ đầu năm 2020 đến nay là 7.340 ha, trong đó thu hoạch gần 2.250 ha, sản lượng gần 45 ngàn tấn; diện tích còn lại trên 5.000 ha và đang phát triển tốt. Dự kiến, cận Tết Nguyên đán, người dân thu hoạch rộ nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm.

Kiểm tra chặt chẽ nông sản tết

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Để hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng, chi cục phối hợp với các ngành có liên quan triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: Kiểm tra lại tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời với việc thanh tra, kiểm tra, ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở trồng trọt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Từ đó, giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; bảo đảm an toàn cho người sản xuất cũng như tiêu dùng và từng bước xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.


SĨ NGUYÊN

.
.
.