Thủy điện Trung Quốc "siết nước" bắt đầu tác động đến Việt Nam
Đập thủy điện Cảnh Hồng (Jing Hong) của Trung Quốc “siết nước” hồi đầu năm nay đã chính thức có tác động đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.
Thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc "siết nước" bắt đầu ảnh hưởng tới biên giới Việt Nam. Trong ảnh là một con sông ở tỉnh Vĩnh Long bị cạn nước. Ảnh: Trung Chánh |
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, việc vận hành đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) từ ngày 1 đến 4-1-2020 đã có tác động đến dòng chảy từ thượng nguồn xuống hạ lưu sông Mekong.
Theo đó, lưu lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu giảm 1.000- 800 m3/giây vào các ngày từ 1-1 đến 3-1-2020 và thấp nhất trong ngày 4-1-2020 là 504 đến 800 m3/giây, trước khi duy trì vận hành bình thường trở lại.
Tác động của việc giảm xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng bắt đầu về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) từ ngày hôm nay, 22-1, và sẽ ảnh hưởng ra các vùng ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long đến hết ngày 28-1-2020, cho nên, dự báo xâm nhập mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng của vùng.
Chính yếu tố nêu trên và dựa vào đặc điểm nguồn nước như hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đưa ra dự báo nguồn nước cho 3 vùng ĐBSCL như sau: đối với vùng thượng của ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ, thì đầu nước thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.
Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc Thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, thì đề phòng mặn xâm nhập sâu như đợt tháng 12-2019 vừa qua; các địa phương cần chủ động các biện pháp chống hạn, mặn và tích trữ nước.
Đối với vùng ven biển ĐBSCL, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, thì mặn lịch sử có thể xảy ra nên cần chủ động các biện pháp chống hạn, mặn và cấp nước sinh hoạt từ bây giờ; chủ động các biện pháp trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng, từ ngày 22 đến 28-1-2020.
Căn cứ vào tình hình nêu trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kiến nghị: với vùng thượng ĐBSCL, thì nguồn nước đến hiện tại được xem là có khó khăn do đầu nước thấp nên cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, thực hiện các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.
Vùng giữa ĐBSCL: đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng nước về thấp, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả; giảm một phần diện tích các vùng ven biển nơi chưa đảm bảo nguồn nước; chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kỳ khan hiếm nước.
Với vùng ven biển ĐBSCL: nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao ngay ở tháng 1 và 2-2020.
(Theo thesaigontimes.vn)