Thứ Sáu, 10/01/2020, 16:28 (GMT+7)
.

Tiền Giang đột phá trong phát triển doanh nghiệp

cascfa
Sự vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp cho kinh tế tỉnh nhà đạt kết quả cao trong năm 2019 (trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng Việt Nam, Khu công nghiệp Long Giang). Ảnh: N. Văn

“Từ khi có Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tỉnh đã có một bước đột phá trong phát triển DN” - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang Trần Đỗ Liêm đánh giá. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đỗ Liêm cho biết:

Bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã sớm nhìn ra một điều là muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải có tiềm lực kinh tế - tài chính và muốn có được điều này thì phải phát triển DN. Đó là động lực dẫn đến sự ra đời của Nghị quyết 06 về phát triển DN trung hạn. Nghị quyết này đã tạo ra sự đột phá lớn về chính sách phát triển kinh tế của tỉnh.

Để thực hiện nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 01 về phát triển DN. Văn bản này bao hàm các giải pháp, phân công trách nhiệm, xử lý công việc cụ thể, báo cáo theo thời hạn… cho cả hệ thống chính trị, xã hội trong toàn tỉnh; đồng thời, đi cùng với đó là kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, xã đã vào cuộc rất mạnh mẽ, thu hút cả người dân và DN thực hiện theo. Do đó, chỉ sau thời gian ngắn, niềm tin của người dân và DN với Nhà nước tăng cao, tạo ra động lực mới để DN ra đời và mở rộng quy mô kinh doanh.

Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, nhiều biện pháp từ thống kê đến đánh giá thực trạng số lượng DN đã được tỉnh thực hiện với tinh thần “DN đăng ký phải có hoạt động”.

Song song đó, tỉnh cũng tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc và đã giải quyết hầu hết các vướng mắc, “nút thắt” cản trở DN phát triển. Đặc biệt, việc thay đổi tư duy, xác định vị trí trọng tâm của DN trong công cuộc phát triển kinh tế, coi phát triển DN cũng chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

 

* Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của những DN mới thành lập và số lượng DN hiện có?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Hơn 5.600 DN được công bố đều là những DN có thật và đang hoạt động. Trong đó, hầu hết là DN hoạt động có hiệu quả. Những năm qua, chính sách thuế đối với DN không thay đổi, nhưng thu ngân sách ở tỉnh lại liên tục tăng, thể hiện sự trưởng thành, phát triển của DN.

Kết quả trên chứng tỏ niềm tin của chủ DN (doanh nhân) đối với Nhà nước tăng cao thông qua việc giải quyết (không giải thích) những việc cụ thể để “gỡ rối”, “gỡ khó” cho DN; đồng thời, chứng tỏ các chính sách của Nhà nước đã tác động mạnh theo hướng tích cực với DN.

Nếu chính sách không tốt thì DN không mở rộng sản xuất, người dân tin tưởng vào chính quyền mới thành lập DN và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, còn yếu tố thị trường mua bán, nguồn vốn vay thuận lợi, lãi suất vừa phải... thì DN mới thành lập và mở rộng sản xuất.

Điều đáng chú ý, các sản phẩm của tỉnh chủ yếu là nông, thủy, hải sản…, khi được xuất khẩu, giá trị sẽ tăng vọt, kéo theo giá thị trường tiêu thụ trong nước tăng cao với cùng một chi phí đầu vào tăng không đáng kể.

Trước đây, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hiện chúng ta không chỉ xuất khẩu nhiều, mà còn với khối lượng khá lớn như: Thanh long, xoài, vú sữa…

Sự phát triển của DN, hợp tác xã còn thể hiện ở việc tham gia tổ chức lại sản xuất, liên kết với nông dân tạo ra chuỗi sản xuất cung ứng ra thị trường khép kín và giá trị gia tăng cao làm cho nhiều người được hưởng lợi

* PV: Số lượng DN ở tỉnh phát triển ấn tượng, nhưng nhìn chung chưa phải là nhiều. Vậy theo ông, thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển DN?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Với dân số và quy mô nền kinh tế của tỉnh (nông nghiệp vẫn là chính), số lượng DN phát triển vượt kế hoạch là rất ấn tượng. Tuy nhiên, số lượng DN đang hoạt động có hiệu quả vẫn chưa phải là 100%, hầu hết là DN vừa,  nhỏ và siêu nhỏ; DN có quy mô lớn chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài việc phát triển về số lượng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên giúp đỡ cho những doanh nhân có ý tưởng, khát vọng làm giàu, làm ăn lớn có nhiều tiềm năng, triển vọng.

Từ đó, họ có thể ký các hợp đồng, mở rộng thị trường, tăng nguồn vốn… đầu tư vươn ra cả nước hoặc nước ngoài. Để làm được điều này, cần có tư duy, tầm nhìn mới (từ chiều rộng sang chiều sâu) nhằm có chính sách đột phá trong mọi lĩnh vực quản lý, vận hành nền kinh tế thị trường; coi DN tư nhân là lực lượng quan trọng, trao cho họ lòng tin để có niềm tin mạnh mẽ vào Nhà nước hơn.

Với việc được tỉnh quan tâm tạo điều kiện phát triển sản xuất, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phú Đạt  đã mạnh dạn mở rộng sản xuất.
Với việc được tỉnh quan tâm tạo điều kiện phát triển sản xuất, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phú Đạt đã mạnh dạn mở rộng sản xuất.

Việc vận động hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN vừa qua chưa có kết quả khả quan, việc này không chỉ xảy ra ở tỉnh mà còn trong cả nước. Vấn đề này nhiều người đang tìm lời giải, nhưng chưa có “đáp số” nào chính xác. Theo tôi, nó nằm ở “chính sách vĩ mô” và việc “thực thi quyền lực” Nhà nước ở mọi cấp chính quyền, do đó cần tập trung vào các khâu này.

Theo đó, ngoài máu kinh doanh sẵn có, người dân khi làm DN cần: Niềm tin vào chính quyền; thị trường để buôn bán; cơ hội để phát tài; vốn để đầu tư; thông tin (các chính sách về kinh tế - xã hội của Nhà nước) để tính toán; hạ tầng cơ sở để phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa…

* PV: Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các cuộc đối thoại với DN, song tại các cuộc đối thoại gần đây, DN ngày càng có ít ý kiến. Hiện tỉnh đang có chủ trương chuyển từ đối thoại sang gặp gỡ DN. Vậy với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và DN, Hiệp hội DN tỉnh có kế hoạch gì để tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và DN?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Có thể nhận thấy, việc tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc với DN đã giúp lãnh đạo tỉnh trực tiếp lắng nghe tâm tư, vướng mắc không bị “méo mó” qua trung gian, từ đó có biện pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vấn đề của DN.

Dù có sự việc cũng phải “lên xuống”, “bàn họp nhiều lần”…, nhưng sau hơn 2 năm, hầu như được giải quyết dứt điểm (ngoại trừ những việc đụng đến luật pháp từ Trung ương).

Do đó, trong những cuộc đối thoại gần đây, DN rất ít ý kiến, thậm chí là không có ý kiến. Hiện Hiệp hội DN tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ DN ở quy mô cấp huyện hoặc theo từng cụm (2 - 3 huyện), theo ngành nghề như: Giao thông vận tải, nông nghiệp hay sản xuất công nghiệp…

Việc gặp gỡ không phải chỉ để đối thoại hay giải quyết “nóng”, mà nhằm giúp chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để DN có thể “làm ăn lớn”, lâu dài, bền vững… đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội của tỉnh.

MINH THÀNH

.
.
.