Các Bộ trưởng: Bình tĩnh với mọi kịch bản tác động từ dịch bệnh nCoV
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, các Bộ trưởng đã báo cáo cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh nCoV tới các lĩnh vực, các kịch bản tác động và giải pháp ứng phó, theo tinh thần được Thủ tướng yêu cầu là tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang, dao động.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ về tác động của dịch nCoV đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu năm nay. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Vì vậy, thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân là một yêu cầu để thảo luận tại phiên họp.
Có thể ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, quốc tế đánh giá về tình hình dịch nCoV là khá nghiêm trọng, tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy, cần có thái độ bình tĩnh, tránh hoang mang.
Về các tác động trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại các loại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch; hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó tác động lên ngành nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân.
Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch nCoV tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến các kịch bản tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng và từng ngành, lĩnh vực. “Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng khẳng định, trong mọi tình huống, Chính phủ luôn sẵn sàng các giải pháp để ứng phó. Để ứng phó với dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe và tâm lý người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 02 nhóm giải pháp chủ yếu.
Nhóm giải pháp thứ nhất, trong giai đoạn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng và tiến tới dập dịch thành công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg và số 06/CT-TTg; chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân; đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh.
Nhóm giải pháp thứ hai, giai đoạn sau khi kiểm soát, dập dịch bệnh thành công, cần tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giáp pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chuẩn bị ứng phó với từng tình huống
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với vị trí là một quốc gia láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương trên nhiều mặt (thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập cảnh...) với mức độ và quy mô lớn với Trung Quốc nên Việt Nam khó tránh khỏi những tác động cả trực tiếp và gián tiếp, trên diện rộng của dịch.
Thực tiễn hai tuần qua cho thấy, bên cạnh tác động lớn nhất của dịch nCoV đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch này cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam như: Xuất nhập khẩu khẩu, du lịch, giao thông vận tải, thị trường chứng khoán, thương mại nội địa, du lịch, sản xuất. Trong đó, xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải và thị trường chứng khoán là các lĩnh vực đã chịu tác động ngay và rõ rệt; đầu tư nước ngoài, thương mại nội địa và sản xuất công nghiệp tuy có chịu tác động nhưng là gián tiếp và chỉ cục bộ ở một số ngành hàng, lĩnh vực đầu tư nhất định, địa phương cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, mức độ tác động của dịch nCoV tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Trước mắt, hiệu ứng tác động của dịch đến một số mặt của nền kinh tế tuy khá nhanh nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và kéo dài đến hết quý II năm 2020, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ là nghiêm trọng.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm do cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm; giao thương biên giới bị hạn chế và giao thương nội địa Trung Quốc bị hạn chế; thời gian giao hàng, thông quan kéo dài do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết Bộ Công Thương dự kiến nhiều kịch bản ảnh hưởng tới ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I-2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 triệu USD đến 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5-8%, tùy theo diễn biến của dịch.
Từ tình hình trên, Bộ Công Thương cũng kiến nghị, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp ứng phó tương ứng với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan trong thời gian tới.
Trong đó, theo dõi, đánh giá thường xuyên tình hình thị trường để xây dựng kịch bản, tham mưu phương án sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, sức mua thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế dùng cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch tăng đột biến do người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại thiếu hụt, tăng cường mua sắm, tích trữ đề phòng hoặc giai đoạn sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng về tiêu dùng, mua sắm hồi phục nhanh.
Kiên quyết nhưng bình tĩnh
Dự báo dịch viêm phổi cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phân tích kỹ từng mặt hàng, kiên quyết nhưng bình tĩnh. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý vối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết.
“Theo đánh giá ban đầu, tình hình sản xuất nông nghiệp các ngành thủy sản, gỗ, rau quả, gạo, nhất là ngành hàng rau quả (trong đó đối tượng chính là một số loại trái cây như thanh long ruột đỏ, dưa hấu) sẽ bị ảnh hưởng trực diện từ các diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh nông sản”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động có những giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Về phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu điều hành tiền tệ
Còn theo báo cáo của NHNN, theo đánh giá sơ bộ từ các nguồn tin, dịch nCoV có thể tác động 2 chiều lên tăng trưởng kinh tế, nhưng dự kiến yếu tố tiêu cực có thể nhiều hơn tích cực, hoạt động kinh tế có thể bị gián đoạn ngắn hạn nhưng trên diện rộng.
Đánh giá của HSBC ngày 3-2-2020 cho thấy, nếu tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm trong quý I và sau đó phục hồi thì tăng trưởng của Việt Nam giảm gần 0,25 điểm phần trăm qua kênh giảm xuất khẩu (bình quân châu Á là -0,2 điểm phần trăm). Mức giảm này chưa tính đến khả năng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho sản xuất của các nước.
Về lạm phát, các diễn biến phức tạp hiện nay cho thấy việc kiểm soát lạm phát chung khoảng 4% năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức hơn dự kiến trước đây. Tuy nhiên, do nền tảng kinh tế Việt Nam đã củng cố khá vững chắc trong những năm qua, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nên cú sốc về dịch bệnh có thể làm chậm lại tạm thời các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn (tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu), nhưng khó có thể gây tình trạng đình đốn kinh tế (sản xuất sụt giảm, thất nghiệp tăng cao). Do đó, nếu tình trạng dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, cũng ít có khả năng nguồn cung của nền kinh tế bị gián đoạn gây tình trạng giá cả tăng cao trên diện rộng, khiến lạm phát tăng cao. Tuy vậy, trong bối cảnh thông tin mở như hiện nay, cần làm tốt công tác truyền thông và ổn định tâm lý người dân.
Qua phân tích triển vọng kinh tế, lạm phát và tác động của dịch nCoV lên tiền tệ, ngân hàng như trên đây, công tác điều hành CSTT không chủ quan nhưng cũng không nên xử lý “nóng vội” (như khuyến cáo của IMF), cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh và các tác động đến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước để có biện pháp đối phó phù hợp.
Hiện chưa có các thống kê chính xác về tác động của dịch bệnh lên kinh tế, lạm phát trong khi thị trường tiền tệ vẫn khá ổn định, do đó chưa nên điều chỉnh các chỉ tiêu điều hành. NHNN sẽ tiếp tục bám sát định hướng điều hành tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3-1-2020 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020 nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát các diễn biến, căn cứ trên các thông tin thống kê chính thức để có đánh giá kỹ hơn về tác động của dịch bệnh và triển vọng lạm phát, tăng trưởng, điều chỉnh quan điểm điều hành nếu cần.
Về tỉ giá, NHNN hoàn toàn có đủ nguồn lực để bình ổn tâm lý thị trường và can thiệp khi cần thiết trong trường hợp tỉ giá có những biến động quá mức trên thị trường.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, số thuế phải thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 84.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành hải quan. Do đó, có thể nói nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu ngân sách nhà nước.
(Theo chinhphu.vn)
.