Thứ Hai, 10/02/2020, 15:09 (GMT+7)
.

Đồng hành tiêu thụ trái cây

Big C góp phần tiêu thụ lượng lớn thanh long của Tiền Giang.
Big C góp phần tiêu thụ lượng lớn thanh long của Tiền Giang.

Nhiều giải pháp được các sở, ngành có liên quan đưa ra nhằm góp phần tiêu thụ lượng lớn trái cây của Tiền Giang, trong đó đáng chú ý nhất là thanh long, sầu riêng, mít…

TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tiêu thụ trái cây được Sở Công thương Tiền Giang triển khai ngay sau khi dịch bệnh nCoV là đối với trái thanh long.

 

GIÁM ĐỐC BIG C MỸ THO TRẦN THANH GIANG:

Trước tình hình khó khăn về tiêu thụ trái cây của các tỉnh, thành, từ ngày 5-2 hệ thống Big C Việt Nam và Go! quyết định triển khai Chương trình Chung tay hỗ trợ nông dân trồng thanh long, áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long nhằm kích cầu tiêu dùng, chung tay giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chương trình này được thực hiện trên toàn bộ hệ thống 37 siêu thị Big C và Go! trên toàn quốc và kéo dài cho đến khi việc tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành dần đi vào ổn định. Với chương trình này, hệ thống Big C và Go! hy vọng mỗi ngày tiêu thụ khoảng 40 tấn thanh long. Hệ thống Big C dự kiến tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu khi thực hiện chương trình này.

 
 

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV, Sở Công thương cùng các sở, ngành tích cực tìm đầu ra cho trái cây trên địa bàn tỉnh; đồng thời, theo dõi sát tình hình mở cửa, hoạt động trở lại của các cửa khẩu tại các tỉnh phía Bắc, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Trong nhiều giải pháp, việc tiêu thụ trái cây ở thị trường nội địa mang tính khả thi và nhanh nhất trong tình hình hiện nay.

Một trong những giải pháp trước mắt được Sở Công thương thực hiện là kết nối với hệ thống thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ trái cây.

Bởi trên thực tế, Tiền Giang hiện có 1 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 60 cửa hàng tiện ích, Bách hóa xanh, Vinmart+ và 173 chợ truyền thống trên khắp 11 huyện, thị, thành.

Trước mắt, Sở Công thương đã kết nối với hệ thống Big C để tiêu thụ trái thanh long của Tiền Giang. Chuyến giao hàng đầu tiên khoảng 10 tấn thanh long được tổ chức vào chiều 8-2 tại HTX Mỹ Tịnh An giao cho hệ thống Big C sẽ mở đầu cho việc khơi thông kênh tiêu thụ trái cây của Tiền Giang nói chung và thanh long nói riêng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

ĐƯA THANH LONG ĐẾN TAY NGƯỜI TIÊU DÙNG

Trước đó, chương trình bán thanh long cho công nhân các khu, cụm công nghiệp do Sở Công thương tổ chức, với sự tham gia của Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh tại 5 điểm bán lưu động đã mang lại hiệu ứng tích cực. Chỉ tính trong buổi bán đầu tiên vào chiều 7-2 đã có khoảng 3,6 tấn thanh long được bán ra…

Ngoài ra, Sở Công thương còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ trái cây như: Tăng cường thông tin, quảng bá; khảo sát thị trường miền Trung, các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; kiến nghị cơ chế hỗ trợ cho người trồng, doanh nghiệp, HTX khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh…

Chương trình bán thanh long cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.                                                                                                                                                                                 Ảnh: A. phương - Minh thành
Chương trình bán thanh long cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Ảnh: A. Phương - Minh Thành

Theo số liệu của Sở Công thương, năm 2019 xuất khẩu trái cây chính ngạch của Tiền Giang đạt 43 triệu USD, tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hiện nay, các thị trường xuất khẩu trái cây ngoài Trung Quốc đang được khuyến khích đẩy mạnh. Theo đại diện Sở Công thương, đối với các cửa khẩu tại các tỉnh phía Bắc có biên giới với Trung Quốc, hiện cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã mở, các cửa khẩu còn lại dự kiến sẽ được mở vào ngày 10-2.

Nếu tình hình các cửa khẩu hoạt động trở lại, chắc chắn nhu cầu nhập hàng hóa của Việt Nam sẽ rất lớn và hiện giá trái cây có chiều hướng nhích lên.

Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai cùng với thông tin lạc quan từ các cửa khẩu hy vọng sẽ hỗ trợ tích cực trong việc tiêu thụ trái cây của tỉnh Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung.

 GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG
ĐOÀN VĂN PHƯƠNG:

Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX tiêu thụ trái cây còn tiếp tục thực hiện với nhiều nội dung dài hơi trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ trái cây theo chuỗi bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh trái cây của tỉnh trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh sẽ có nhiều chủ trương, chính sách phát triển bền vững ngành trái cây như đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút dự án đầu tư trong chế biến trái cây. Riêng đối với người sản xuất cũng cần đảm bảo theo hướng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc; doanh nghiệp. HTX cũng cần theo dõi sát thị trường tiêu thụ, tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ…

 GIÁM ĐỐC HTX MỸ TỊNH AN VÕ CHÍ THIỆN:

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dịch bệnh nCoV đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ của các thương lái cũng như của HTX Mỹ Tịnh An. Khi thị trường Trung Quốc đóng băng cũng đã kéo theo các thị trường cao cấp khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản… Tuy nhiên, mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm của HTX Mỹ Tịnh An cũng vẫn được tiến hành theo hình thức bao tiêu giá sàn và thu mua tất cả sản phẩm của nông dân tham gia liên kết. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX tiêu thụ trái cây được Sở Công thương triển khai lần này là rất thiết thực và hữu ích.

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

.
.
.