Thứ Hai, 24/02/2020, 09:48 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Nỗ lực ứng phó mặn xâm nhập

Trước tình hình mặn xâm nhập sâu và gay gắt, huyện Châu Thành đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 11.500 ha cây ăn trái.

So với đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2015, đầu năm 2016, năm nay xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Thành. Nhiều khu vực bị mặn xâm nhập sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến các vườn cây ăn trái.

Nhiều vườn cây ăn trái đang “khát” nước.
Nhiều vườn cây ăn trái đang “khát” nước.

DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Tại xã Kim Sơn, những ngày qua, nước mặn đã xâm nhập sâu vào địa bàn theo hướng từ sông Tiền vào sông Rạch Gầm - Xoài Mút. Ông Nguyễn Văn Bảy (xã Kim Sơn) cho biết, gia đình ông trồng 5 công sa pô, năm nay mặn đến sớm nên ông đành phải lấy nước mặn (ở mức cho phép) để tưới cho cây. Sau khi tưới, cây xuất hiện hiện tượng lá bị bạc và rụng.

Còn tại khu vực xã Phú Phong, vùng trồng sầu riêng giáp ranh với xã Tam Bình của huyện Cai Lậy cũng đang “khát” nước. Ông Ngô Văn Lượm (ấp Phú Long, xã Phú Phong) cho biết, gia đình ông trồng 7 công sầu riêng được 7 năm tuổi. Từ đầu tháng 2 đến nay, vườn sầu riêng của ông không có nước ngọt để tưới. Do mặn đến bất ngờ nên dù có trữ nước từ trước, nhưng cũng không đủ để tưới cho cây.

“Năm 2016, độ mặn cao nhất đo được tại đây chỉ 1,7 g/l, năm nay là 4,1 g/l. Do không có nước ngọt để tưới nên vườn sầu riêng bị khô dẫn đến rụng lá, đỏ nhánh. Đến thời điểm này, nhà tôi đã thuê 2 ghe chở nước ngọt về để tưới cho cây sầu riêng với giá 22 triệu đồng, tương đương khoảng 260 m3” - ông Lượm cho biết thêm.

Cách đó không xa, vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Hiền cũng không còn nước ngọt để tưới. “Do mặn lên đột ngột nên người dân không phản ứng kịp. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa thấy tình trạng mặn như thế này. Hôm qua, tôi thuê ghe lên khu vực cầu Mỹ Thuận chở nước ngọt về tưới cho vườn sầu riêng với giá 10 triệu đồng. Người dân nơi đây mong muốn Nhà nước đầu tư cống ngăn mặn cho khu vực này để phục vụ tưới tiêu” - anh Hiền cho biết.

Theo UBND huyện Châu Thành, trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn, huyện đang đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các ấp Phú Ninh, Phú Thuận, Phú Long, Phú Hòa của xã Phú Phong để người dân có nước sinh hoạt. Hiện nước sinh hoạt tại khu vực này rất yếu. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương và đầu tư xây dựng 2 cống cố định là Rạch Gầm - Xoài Mút, kinh Rau Răm nhằm bảo vệ vùng cây ăn trái khoảng 11.000 ha, cả khu vực phía Tây của huyện và Tân Phước (nếu được đầu tư cố định đập kinh Xáng). Như vậy, việc ngăn mặn trên địa bàn huyện sẽ đảm bảo khép kín hoàn toàn.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Theo UBND xã Phú Phong, những ngày qua, trước khi tưới cây, nhiều người dân lấy mẫu nước mang ra UBND xã nhờ đo độ mặn. Bên cạnh đó, cán bộ xã còn thường xuyên xuống các ấp để đo độ mặn cho người dân. Người dân vẫn ý thức được việc trữ nước, nhưng do mương trong vườn nhỏ, độ mặn tăng quá cao nên không lường trước được. Hiện tại, các hộ dân còn nước trữ trong các mương chỉ tưới nhỏ giọt, còn các mương vườn không còn nước thì đành để vườn khô. Cũng theo UBND xã Phú Phong, ngoài việc đo độ mặn thường xuyên để kịp thời thông báo đến người dân, các cống trên địa bàn đã được đóng kín để ngăn mặn.

Theo UBND huyện Châu Thành, địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp 17.984 ha, trong đó cây ăn trái chiếm 11.550 ha. Để chủ động ứng phó với hạn, mặn nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu và lúa, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai các giải pháp. Trên địa bàn huyện có 173 cống nên cơ bản đáp ứng được công tác đóng cống ngăn mặn, triều cường. Riêng rạch Ông Hổ, kinh Thuộc Nhiêu, kinh 26/3 (xã Vĩnh Kim) chưa có cống khép kín, song chưa xảy ra thiệt hại.

Địa phương đã trang bị bút đo mặn cho các xã từ 2 đến 3 cái và tiếp tục trang bị thêm để thông báo kịp thời độ mặn cho người dân biết, chủ động lấy nước tưới, cũng như trữ nước. Hiện 2 đập tạm ở rạch Ông Hổ, kinh Thuộc Nhiêu đang được thi công. Riêng đập tạm rạch Ngọn Mương Dông (xã Bàn Long - Phú Phong), đập tạm Bắc cầu Rượu (xã Long Định - Tam Hiệp) đã thi công xong.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, ngoài các xã cặp sông Tiền, những xã ở phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện cũng bị mặn xâm nhập nhưng ít, người dân vẫn còn tưới tiêu được. Bên cạnh việc đóng tất cả các cống trên địa bàn để ngăn mặn, hằng ngày, huyện còn kiểm tra độ mặn để kịp thời thông tin cho người dân chủ động trong việc tưới tiêu; cử cán bộ bám sát địa bàn để kịp thời theo dõi diễn biến của mặn. Đến thời điểm này, xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến cây ăn trái, rau màu của huyện.

M. THÀNH

.
.
.