.

Nâng tầm sản phẩm địa phương

Cập nhật: 09:24, 20/02/2020 (GMT+7)

Năm 2020 tập trung nguồn lực gắn với nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận đẩy mạnh tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Tiền Giang - Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Hoàng Nhật Nam. Nỗ lực trên nhằm đưa các hoạt động của Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Mắm tôm chà Kim Sa Gò Công là một trong những sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ  nhãn hiệu tập thể.                                                                                                                                                                                                Ảnh: LẬP ĐỨC
Mắm tôm chà Kim Sa Gò Công là một trong những sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ảnh: LẬP ĐỨC

NÂNG SỨC CẠNH TRANH SẢN PHẨM

Theo Sở NN&PTNT, thực hiện Kế hoạch 27 ngày 28-1-2019 của UBND tỉnh triển khai Chương trình OCOP, qua phối hợp với UBND 11 huyện, thành, thị trong tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chuẩn hóa 18 sản phẩm, gồm 14 sản phẩm nhóm thực phẩm, 2 sản phẩm nhóm đồ uống, 2 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ bán hàng và du lịch nông thôn có lợi thế.

Trong đó, có các nông đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh Mỹ Tho, thanh long Chợ Gạo, mắm tôm chà Gò Công, gà ta Gò Công, trà mãng cầu Xiêm Travipha, rượu sơ ri Gò Công; nhóm sản phẩm dịch vụ: Du lịch Thới Sơn, Làng cổ Đông Hòa Hiệp… Từ đó, ngành phối hợp thực hiện hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trên, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng theo ngành chuyên môn, đến cuối năm 2019 có 4/11 đơn vị cấp huyện (huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công) đã tổ chức đánh giá 11/18 sản phẩm OCOP cấp huyện, qua đó có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 3 sản phẩm hạng 3 sao.

Trong số này, có 6 sản phẩm được đánh giá theo chuỗi giá trị (có giấy xác nhận chuỗi cung ứng do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp) gồm: Rau cải thìa của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công, mắm tôm chà Bà Hai Diễm, mắm tôm chà Bà Hai Nhứt Gò Công, gà ta Gò Công của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, rau cải ngọt của HTX Rau an toàn Tân Đông, trà mãng cầu Xiêm Travipha của Công ty TNHH Travipha (sản phẩm này có thể định hướng phát triển đạt 5 sao cấp quốc gia); 6 sản phẩm đã có mã vạch là mắm tôm chà Bà Hai Diễm, gà ta Gò Công, rau cải ngọt Tân Đông, trà mãng cầu Xiêm, nước uống đông trùng hạ thảo NICE (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân), tinh dầu sả Thành Công (Công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công); có 7 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 5 nhãn hiệu tập thể (rau cải ngọt Tân Đông, rau cải thìa Gò Công, mắm tôm chà Bà Hai Nhứt Gò Công, mắm tôm chà Bà Hai Diễm, mắm tôm chà Kim Sa Gò Công) và 2 sở hữu trí tuệ: Gà ta Gò Công, nước uống đông trùng hạ thảo NICE.

Từ đó, ngành Nông nghiệp đã tích cực phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể sản xuất có sản phẩm đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Chương trình Kết nối giao thương An Giang - Tiền Giang - Campuchia, Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Bắc và các hội chợ triển lãm: Festival OCOP tại Nam Định, Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre lần I-2019…

Hiện một số sản phẩm như: Rau cải thìa, mắm tôm chà, gà ta Gò Công, rau cải ngọt Tân Đông, trà mãng cầu Xiêm Travipha... đã kết nối được với các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Vinmart, với tổng doanh thu các sản phẩm OCOP Tiền Giang trong năm 2019 đạt trên 40 tỷ đồng; trong đó, hơn một nửa doanh thu thuộc về HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới với 2 mặt hàng 3 sao là gừng tươi (600 tấn) và sả tươi (900 tấn), với tổng doanh thu trên 21 tỷ đồng và gà ta Gò Công đạt doanh thu trên 11 tỷ đồng.

20 SẢN PHẨM OCOP CẤP TỈNH NĂM 2020

Theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, Tiền Giang có nhiều sản phẩm chủ lực đã nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong đó có một số nông sản đã vào được các thị trường tiềm năng, như: Thanh long Chợ Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước châu Âu; xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu sang Nhật Bản; vú sữa Lò Rèn xuất sang Mỹ; trứng cút sạch xuất sang Nhật Bản, Singapore.

Riêng xoài cát Hòa Lộc còn được sử dụng trên các chuyến bay Vietnam Airlines... đã mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá trái cây đặc sản của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi, là cơ hội để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh, thực tế trong tổ chức thực hiện chương trình, một số địa phương cũng còn lúng túng trong khâu tuyên truyền, vận động sâu rộng, nên chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…) đăng ký sản phẩm tham gia chương trình chưa nhiều. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực các cấp quản lý chương trình, nhất là cấp huyện (cấp hướng dẫn, thực hành), cấp xã (cấp triển khai, phối hợp, thực hành) và cả trong nhận thức cộng đồng về Chương trình OCOP cũng còn hạn chế...

Để khắc phục các hạn chế này và tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP trong năm 2020 (năm cuối của chương trình trong giai đoạn 2018 - 2020), bên cạnh việc tập trung nguồn lực triển khai, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cả cộng đồng nói chung để cùng hiểu, cùng đồng thuận, cùng hăng hái tham gia Chương trình OCOP. Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam cho biết thêm, dự kiến năm nay, ngành sẽ hỗ trợ tư vấn chuẩn hóa cho khoảng 20 sản phẩm để hình thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Song song đó là hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được xếp hạng từ 3 đến 4 sao để tiếp tục nâng hạng sao gắn với chuỗi sản xuất và tiêu thụ; tổ chức ít nhất 3 lớp đào tạo chuyên đề về phát triển sản phẩm OCOP và 7 cuộc tập huấn về nội dung Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho đội ngũ quản lý chương trình và chủ thể sản xuất tại 11 huyện, thị, thành.

Riêng về lĩnh vực xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không chỉ trong tỉnh, mà còn kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong nước, trước hết là hướng vào các hệ thống phân phối Big C,
Co.opmart, Postmart… trong và ngoài tỉnh.

QUỐC ANH

.
.
.