.

Nỗ lực tìm đầu ra cho trái cây

Cập nhật: 21:07, 05/02/2020 (GMT+7)

Những ngày qua, doanh nghiệp, thương lái và nông dân lo lắng vì nông sản rớt giá, đầu ra hạn chế. Ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết đầu ra cho nông dân cũng như doanh nghiệp.

Sau Tết Nguyên đán, nông dân các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước…, tỉnh Tiền Giang vào đợt thu hoạch rộ thanh long nghịch vụ. Trái ngược với không khí của các năm trước, năm nay giá thanh long giảm sâu, đầu ra gặp khó khăn.

KHÓ ĐẦU RA

Ông Nguyễn Văn Long (ấp Trường Xuân A, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) trồng 0,8 ha thanh long ruột đỏ, hiện bắt đầu cho thu hoạch. Tuy vậy, gia đình ông gọi thương lái đến thu mua nhưng đều bị từ chối; đồng thời, tìm nhiều cách tiêu thụ khác vẫn không được. Ông Long cho biết, trước Tết Nguyên đán, thanh long ruột đỏ có giá trên 40.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái thu mua rất hạn chế. Gia đình ông đành chặt bỏ những trái xanh để dưỡng cây cho trái vụ sau. Tính ra vụ mùa này, gia đình ông chịu lỗ vốn trên 150 triệu đồng.

Nhiều nông dân chọn cách cắt bỏ trái thanh long để giữ cây.
Nhiều nông dân chọn cách cắt bỏ trái thanh long để giữ cây.

Cùng với trái thanh long, sầu riêng cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ông Nguyễn Trường Giang (ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) trồng gần 0,5 ha sầu riêng cho biết, trong đợt thu hoạch này, gia đình dự kiến bán khoảng 4 tấn trái. Tuy nhiên, thương lái cho giá mua 30.000 đồng/kg nhưng nhiều ngày rồi vẫn chưa vào thu mua. Hằng năm, thời điểm này giá sầu riêng ở mức khoảng 65.000 - 75.000 đồng/kg, còn hiện nay giảm phân nửa nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn. Nếu giá bán 30.000 đồng/kg thì gia đình chỉ huề đến lỗ vốn.

Trái mít trong thời gian gần đây phát triển khá nhanh trên địa bàn tỉnh, sản lượng rất cao. Trước tết, giá mít dao động 37.000 - 40.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg (mua xô). Tuy vậy, thương lái cũng rất ít mua.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC TÍNH ĐẾN

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, ngay sau tết, tình hình tiêu thụ một số loại trái cây rất khó khăn, nhất là các mặt hàng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như: Thanh long, sầu riêng, mít, dưa hấu, mận…

Các ngành chức năng đang nỗ lực tìm đầu ra cho trái cây.
Các ngành chức năng đang nỗ lực tìm đầu ra cho trái cây.

Theo đó, giá thu mua thanh long ruột đỏ trước Tết Nguyên đán 30.000 - 35.000 đồng/kg, còn hiện nay chỉ ở mức khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, giảm 26.000 - 30.000 đồng/kg. Một số thương lái đã bỏ tiền cọc hoặc thu mua với giá thấp để tiêu thụ nội địa. Thanh long ruột trắng hiện nay có giá khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán và loại thanh long này chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết, toàn tỉnh hơn 80.100 ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch hơn 1,5 triệu tấn/năm. Các loại trái cây chủ lực là sầu riêng trên 13.000 ha, sản lượng khoảng 250 ngàn tấn; thanh long gần 8.500 ha, sản lượng gần 230 ngàn tấn; mít khoảng 9.250 ha, sản lượng 125 ngàn tấn.

Tiền Giang hiện có 15 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, công suất khoảng 38.000 tấn/năm và các sản phẩm trái cây đã xuất sang các thị trường chủ yếu như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, với các sản phẩm trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc…

Ngoài ra, giá các loại trái cây khác như sầu riêng, mít, bưởi… đều giảm mạnh so với những ngày trước tết từ 10.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí một số nhà vươn không tìm được thương lái để tiêu thụ.
Một số loại trái cây có diện tích lớn của tỉnh hiện đang cho trái nhằm phục vụ nhu cầu sau tết và dịp rằm tháng Giêng trên 11.000 ha, dự kiến sản lượng cho thu hoạch trong tháng 2-2020 khoảng 170.000 tấn, gồm: Sầu riêng gần 50.000 tấn, mít gần 29.000 tấn, thanh long khoảng 21.000 tấn…

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết, giải pháp trước mắt là vận động các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua nông sản cho nông dân để tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh trữ lạnh, sơ chế và chế biến các sản phẩm từ trái cây. Đối với các loại trái cây có thể kéo dài thời gian trên cây như thanh long ruột trắng, bưởi… có thể neo trái để kéo dài từ 7 - 10 ngày nhằm chờ giá… Giải pháp lâu dài là sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP; nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản để vận chuyển đến thị trường xa. Tỉnh tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất trái cây rải vụ, hạn chế thu hoạch sản phẩm đồng loạt với số lượng lớn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi ngành hàng. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng trái cây nhằm cung ứng mạnh mẽ thị trường nội địa…

Đại diện Sở Công thương cho biết, trước mắt tỉnh Tiền Giang sẽ đưa một số nông sản như: Thanh long, sầu riêng và mít ra các chợ đầu mối của TP. Đà Nẵng tiêu thụ nhằm giảm bớt áp lực cho nông dân. Ngoài ra, sở cũng đã kết nối với hệ thống BigC Việt Nam nhằm đưa trái thanh long vào hệ thống siêu thị này. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng gửi văn bản đến các huyện, thị phía Tây của tỉnh yêu cầu hỗ trợ cho việc thương lái và người dân đưa trái thanh long đến bán tại các trung tâm của huyện, thị…

SĨ NGUYÊN

.
.
.