Thứ Sáu, 21/02/2020, 22:31 (GMT+7)
.

Tiền Giang đã chủ động, sáng tạo trong ứng phó hạn, mặn

Ngày 20-2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra và làm việc với tỉnh Tiền Giang về tình hình phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Tại buổi kiểm tra, một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đi thực địa để học hỏi kinh nghiệm về phòng, chống hạn, mặn của tỉnh Tiền Giang.

Đồng chí Lê Quốc Doanh (giữa) kiểm tra vườn bưởi tươi tốt ở xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây).
Đồng chí Lê Quốc Doanh (giữa) kiểm tra vườn bưởi tươi tốt ở xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây).

Báo cáo với Đoàn công tác, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh Tiền Giang đã chủ động phòng, chống hạn, mặn từ rất sớm. Tuy nhiên, diễn biến mặn ngày càng phức tạp, Tiền Giang phải tổ chức 9 điểm bơm, với 38 thuyền bơm; các địa phương cũng tổ chức bơm chuyền 410 điểm, với 1.268 máy…

 
Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là sự chủ động của các địa phương ĐBSCL thì tổng giá trị lúa thiệt hại trong năm nay khoảng 33.000 tỷ đồng.
 
THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT
LÊ QUỐC DOANH

Với sự chủ động trên, diện tích lúa đông xuân ở các huyện phía Đông của Tiền Giang có khả năng không bị ảnh hưởng nhiều do hạn, mặn. Riêng nước sinh hoạt, Tiền Giang cũng thi công và vận hành 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực Nhà máy nước Đồng Tâm và Nhà máy nước Bình Đức, thi công và vận hành bơm bổ cấp nguồn nước từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột cho Nhà máy nước Bình Đức để đưa vào vận hành cung cấp nước cho người dân; mở 58 vòi nước công cộng cấp miễn phí cho người dân…

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, sau đợt hạn, mặn năm 2016, Tiền Giang rút ra những kinh nghiệm cốt lõi và có hướng xử lý. Trong đó, Tiền Giang đã xây dựng ngay đề án ứng phó hạn, mặn khá hoàn chỉnh.

Đến thời điểm này, hiệu quả mang lại từ đề án này rất rõ qua việc cắt vụ, chuyển vụ. Ngoài ra, qua sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, Tiền Giang đã hoàn thiện lại hệ thống máy bơm cống Xuân Hòa, nạo vét kinh, mương trong nội đồng. Từ đó, nước chứa trong nội đồng rất nhiều nên mới cầm cự đến thời điểm này. Sau năm 2016, ý thức người dân trên địa bàn tỉnh rất cao trong việc ứng phó với hạn, mặn.

Theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, năm nay, trên cơ sở khuyến cáo của Trung ương, tháng 9-2019, Tiền Giang đã có phương án ứng phó và quán triệt cho địa phương, người dân; tích nước trên kinh, mương, ao và trên đồng ruộng, vườn khi còn nước… Những vùng lúa nào đã đủ nước cho cây lúa, tỉnh sẽ cắt ngay để chuyển sang vùng khác. Đến thời điểm này, Tiền Giang khẳng định không có thiệt hại về hạn, mặn trên cây lúa… Trong thời gian tới, Tiền Giang cần hoàn chỉnh thêm hệ thống thủy lợi nội đồng, hoàn thiện lại hệ thống cống, đập trên địa bàn tỉnh; kiến nghị Trung ương đầu tư cống cố định trên kinh Nguyễn Tấn Thành…

Trao đổi riêng với Báo Ấp Bắc trong quá trình đi thực tế, đồng chí Lê Quốc Doanh cho biết, trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì tỉnh Tiền Giang có sự chủ động nhất trong phòng, chống hạn, mặn. Ngay từ rất sớm, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng phương án ứng phó. Khi bước vào cao điểm, tỉnh chỉ xin chủ trương từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về kế hoạch và hành động trong công tác phòng, chống hạn, mặn. Hầu hết các vấn đề tỉnh Tiền Giang đều chủ động thực hiện ngay sau khi có chủ trương hoặc ý kiến, chứ không đợi kinh phí từ Trung ương rót về như một số tỉnh, thành khác. Từ sự chủ động đó, đến nay nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vẫn còn. Diện tích lúa và cây ăn trái không có thiệt hại. Những diện tích lúa mà năm 2016 bị mất trắng thì nay thu hoạch đạt năng suất 8 tấn/ha. Đây là thắng lợi lớn của Tiền Giang.

Tại buổi đi thực tế cũng như làm việc với tỉnh Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, đồng chí Lê Quốc Doanh đánh giá rất cao công tác chủ động trong phòng, chống hạn, mặn của các tỉnh, thành ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Tiền Giang tích trữ nước cung cấp cho nhân dân ngay từ tháng 1. Đến thời điểm này, nguồn nước giáp biển của tỉnh vẫn còn phục vụ được cho diện tích lúa trên đồng. Điều đặc biệt, khi lúa đủ nước thì tỉnh Tiền Giang liền cắt nước để chuyển sang cho vùng khác. Đây là cách làm sáng tạo, thông minh.

Đồng chí Lê Quốc Doanh bày tỏ: “Qua quá trình đi thực tế, chúng tôi rất vui mừng khi chưa thấy cảnh nào xơ xác như năm 2016. Tuy nhiên, hạn, mặn vẫn còn ở phía trước và còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải có sự chủ động, không chủ quan, lơ là. Ngoài ra, các địa phương cần phải có giải pháp tốt nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra trong mùa khô này”.

SĨ NGUYÊN

.
.
Liên kết hữu ích
.