Thứ Tư, 04/03/2020, 10:24 (GMT+7)
.

Cách chăm sóc sầu riêng trong mùa hạn, mặn

Nhờ chủ động dự trữ nguồn nước, ông Ngô Văn Tám (phải), xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) còn giữ được vườn sầu riêng xanh tốt.
Nhờ chủ động dự trữ nguồn nước, ông Ngô Văn Tám (phải), xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) còn giữ được vườn sầu riêng xanh tốt.

Sầu riêng rất mẫn cảm với hạn, mặn, mức độ chịu mặn không cao hơn 0,5 g/l. Tuy nhiên, trường hợp hạn kéo dài, không có nước tưới, người trồng vẫn sử dụng nước tưới có độ mặn dưới 1 g/l nhưng rất ít. Vậy cách chăm sóc sầu riêng trong mùa hạn, mặn như thế nào là tốt nhất? 

Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, sầu riêng là cây trồng rất mẫn cảm với hạn, mặn. Trong điều kiện hạn, mặn kéo dài hiện nay, nông dân thiếu nước ngọt trầm trọng để “giải khát” cho cây.

Trước thực trạng trên, nông dân cần cắt cành, tạo tán; không để trái hoặc bông trên cây. Nếu cây đã mang trái gần đến ngày thu hoạch phải đảm bảo nước ngọt để tưới.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, sâu bệnh cũng hoành hành trên cây sầu riêng rất nhiều, đặc biệt là bệnh thán thư và bộ rễ bị hư hại do thời gian dài nông dân xử lý cho trái. Vì vậy, người dân cần tìm nước ngọt để pha tưới hoặc phun thuốc cho cây, cố gắng nuôi cây để cầm cự qua mùa hạn, mặn này.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, đối với cây sầu riêng, người trồng cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như: Rơm rạ, lục bình, cỏ khô hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ độ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn; tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập.

Riêng một số loại cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng thì không tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5 g/l. Trong thời gian nhiễm mặn, người trồng chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt bằng cách kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới.

Khi vườn đã bị nhiễm mặn, nông dân cần bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột với lượng 500 - 1.000 kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài, người trồng cần phun thêm phân bón lá và chế phẩm nhằm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân trung vi lượng có chứa canxi, magiê, silic… giúp tăng sức đề kháng cho cây.

Đối với cây đã nhiễm mặn, Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, việc rửa mặn cho vườn sầu riêng khi bị sốc mặn cần tuân thủ đúng và đủ các nguyên tắc như:

Giai đoạn 1 là cần rửa mặn: Đầu tiên là bón vôi để rửa mặn. Tùy tuổi cây mà nông dân bón vôi với liều lượng phù hợp. Ví dụ, cây khoảng 10 năm tuổi thì bón 0,5 - 1 kg vôi. Lúc tiến hành rửa mặn thì chỉ sử dụng nước ngọt để rửa. Theo đó, nông dân cần đợi nước sông hết mặn thì mới tiến hành rửa và rửa khoảng 4 - 5 lần.

Tiếp theo là phục hồi rễ bằng cách bón phân hữu cơ tinh chất. Điều này sẽ giúp phục hồi bộ rễ nhanh, tuyệt đối không bón phân hóa học giai đoạn này. Tiếp đó là bón bổ sung một số loại nấm để tăng cường giúp bộ rễ mạnh, hấp thu dinh dưỡng nhanh.

Sau khi tái tạo đủ bộ rễ, nông dân cần tiến hành khôi phục bộ lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ nano. Bước này cần nhanh chóng thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để phục hồi bộ lá. Khi bộ lá và bộ rễ hoạt động đồng bộ thì cây sẽ khôi phục rất nhanh.

Giai đoạn 2 là tăng tốc, tức sau khi vườn cây phục hồi sau đợt ngộ độc mặn thì nông dân nên chọn những cây khỏe mạnh để làm trái và chỉ nên để tối đa 60 trái/cây. Vì nếu để nhiều trái quá thì cây rất dễ bị suy kiệt; đồng thời, chất lượng trái cũng không đảm bảo. Điều này nông dân cần lưu ý để vườn sầu riêng phát triển bền vững về sau.

Ngoài ra, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng khuyến cáo: Khi cây sầu riêng phục hồi hoàn toàn thì nhà vườn cần chú ý cung cấp chế độ dinh dưỡng cân đối để cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, nông dân cần bón nhiều phân hữu cơ, kết hợp phân NPK chuyên dùng cho sầu riêng, tùy giai đoạn sinh trưởng mà bón phù hợp. Đặc biệt, để tránh trường hợp trái sầu riêng bị sượng, trong chăm sóc, nông dân cần bổ sung các chất trung vi lượng, đặc biệt là canxi, magiê, bo. Các chất này sẽ giúp cho cây sầu riêng ra trái, đậu quả tốt hơn, chất lượng trái ngon, ít bị sượng.

SĨ NGUYÊN

.
.
.