Thứ Bảy, 07/03/2020, 21:32 (GMT+7)
.

Không thiếu hàng, người dân cứ yên tâm, bình tĩnh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, người dân cần hết sức bình tĩnh, các doanh nghiệp, nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân kiểm soát thị trường.
 
Chiều nay 7-3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp, đầu mối cung ứng bán lẻ và các đơn vị chức năng để chỉ đạo gia tăng lượng hàng hoá cho thị trường, đảm bảo bình ổn giá cả.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, hiện các doanh nghiệp phân phối do dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này. 
 
Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống. Hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường. 
 
Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
 
Ngoài ra, qua trao đổi nhanh với một số hệ thống doanh nghiệp phân phối khác như hệ thống siêu thị Lotte Mart, hệ thống siêu thị MM Mega Market, các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam như Đà Lạt nên nguồn cung ổn định.
 
Các hệ thống phân phối trong nước như Big C, Lotte, Co.op mart… đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình, chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
 
Cụ thể, Big C & Go mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống; Saigon Co.op phối hợp các nhà cung cấp, các đơn vị sản xuất tham gia giảm giá để hỗ trợ cho người tiêu dùng chỉ riêng đợt này là 12.000 tấn nông thủy sản, trong đó có khoảng 6.000 tấn hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó đầu ra và hơn 6.000 tấn nhu yếu phẩm, thực phẩm; chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ hỗ trợ giải cứu khoảng 160 tấn dưa hấu ở miền Bắc và 100 tấn ở thị trường phía Nam…
 
a
Các siêu thị sẽ tăng lượng hàng hoá thực phẩm gấp 3-4 lần nên người dân không cần sợ khan hàng. Ảnh: VĂN PHÚC
Còn theo Bộ Công thương thông tin tại cuộc họp chiều 7-3, hiện nay, trước tình hình dịch bệnh, hệ thống siêu thị Big C đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần để bán cho người tiêu dùng; làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới.
 
Công ty BRG Retail đã có phương án để đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, theo đó đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội.
 
Công ty MM Mega Market khẳng định có đủ hàng cho thị trường vì đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm; tại các siêu thị, sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
 
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, người dân cần hết sức bình tĩnh, bối cảnh đất nước đang khó khăn nên càng cần sự sẻ chia chung sức chung lòng. Các doanh nghiệp, nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân cùng kiểm soát thị trường. Người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tạo sốt hàng hóa ảo. 
 
Các biện pháp Bộ Công thương sẽ triển khai thời gian tới: 
 
Vụ Thị trường trong nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công thương Hà Nội và các tỉnh thành phố khác, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội.
 
Tổng cục Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.
 
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số giúp các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
 
Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.