Mãi lực thị trường giảm nhanh
Dịch bệnh Covid-19 và nhiều yếu tố khác đã tác động không nhỏ đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Các chính sách về giãn thuế, thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ… cũng đã và đang được tính đến nhằm góp phần giảm thiểu những khó khăn cho các DN.
Thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. |
ĐƠN HÀNG GIẢM
Hiện chưa có con số thống kê chính xác về những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, nhưng đối với từng nhóm ngành đã có tác động khá lớn. Giám đốc công ty chuyên về dệt may xuất khẩu có quy mô tương đối lớn trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty chịu tác động khá mạnh. Tác động đầu tiên là tình hình cung ứng nguyên liệu đầu vào hạn chế gây khó khăn cho sản xuất.
Bởi tình hình chung có đến khoảng 80% nguồn nguyên liệu của ngành dệt may phải nhập khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm thị phần tương đối lớn. Chưa kể, đơn hàng của khách hàng cũng được ghi nhận dấu hiệu giảm khá nhiều. “Với hơn 1.000 công nhân đang làm việc, chúng tôi phải tính toán nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình khó khăn như hiện nay. Hy vọng, khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế dần hồi phục, công ty sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới”- vị giám đốc này chia sẻ.
Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ Trước tác động của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, nhất là đối với những ngành có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất như: Du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… NHNN Việt Nam cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tố chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ cho vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ… Mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam cũng đã ký ban hành Thông tư 01/2020 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… |
Ngoài dệt may, nhiều nhóm ngành khác có lợi thế của Tiền Giang như xuất khẩu trái cây, chế biến thủy sản xuất khẩu… cũng chịu tác động không nhỏ. Giám đốc Công ty TNHH Phước Hưng Trần Thanh Nguyên, chuyên mua bán thanh long xuất khẩu cho biết, công ty cũng gặp không ít khó khăn dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong giai đoạn ùn ứ hàng hóa vừa qua, công ty cố gắng tập trung mọi nguồn lực mua thanh long vào trữ trong kho để chờ cơ hội bán ra và cũng phần nào giúp giải phóng lượng hàng tồn đọng của nông dân chứ thật ra công ty cũng chưa có nhiều đơn hàng.
Trao đổi gần đây với chúng tôi, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo, chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu cũng nêu thực trạng chung cho biết, sản phẩm sản xuất ra của công ty phải chấp nhận trữ ở kho một ít thời gian và chờ đến khi có thông báo nhận hàng từ đối tác của Trung Quốc. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng quý I của ngành Thủy sản có thể bị ảnh hưởng nhưng còn đến 3 quý còn lại với hy vọng tốc độ mua hàng tốt hơn sẽ bù lại được những phần tổn thất trong quý I của năm 2020.
“Hiện nay, hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc, do đây là thị trường lớn, sức tiêu thụ rất cao nhờ vào dân số đông và thuận tiện về mặt điều kiện địa lý với Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn này cũng sẽ là bài học kinh nghiệm cho các DN trong việc tính toán cơ cấu thị trường tiêu thụ và hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, phân bổ thị trường một cách hợp lý hơn”- ông Đạo phân tích thêm.
TÁC ĐỘNG KÉP
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang Trần Đỗ Liêm cho rằng, nhìn một cách tổng thể mãi lực thị trường giảm nhanh, ngoại trừ một số nhóm mặt hàng như khẩu trang, hàng thực phẩm…, cụ thể nhất là sức mua tại các siêu thị, chợ giảm hơn khá nhiều. Tổng hợp dựa trên nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng kinh tế thời gian qua không sôi động. Điểm đáng chú ý là tình hình xuất nhập khẩu của các DN sẽ chịu tác động lớn dựa trên các yếu tố như khó khăn trong việc nhập nguyên liệu, đơn hàng của khách hàng giảm do nhu cầu tiêu thụ thắt chặt lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này cũng là dịp để các DN trong cả nước nói chung, trên địa bàn Tiền Giang nói riêng là phải chịu khó mở rộng thị trường, nâng cao tính năng động để thích ứng với nhiều thị trường, thay vì chỉ tập trung chú trọng vào một ít thị trường như vừa qua.
Gia hạn nộp thuế Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn, Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai việc thực hiện gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để được gia hạn nộp thuế theo quy định, người nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan Thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu; biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập; văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức (cơ quan Công an; UBND cấp xã, phường; Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn)… |
Trên bình diện tổng thể hơn, Giám đốc Sở Công thương Đoàn Văn Phương nhận định, trước tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng trước tiên là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, do nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất bị ảnh hưởng, nhất là đối với hàng hóa, nguyên liệu xuất phát từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất của các DN cũng bị ảnh hưởng do việc đi lại hạn chế hơn, nhất là đối với vùng đã xảy ra dịch bệnh.
Yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là do ảnh hưởng của ngành Du lịch dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, dẫn đến các dịch vụ kèm theo, trong đó có thương mại ảnh hưởng khá lớn do du khách rất ngán ngại đi lại, tránh tiếp xúc với nhiều người. Chưa kể, các lễ hội đều phải giãn ra hoặc tạm ngưng tổ chức cũng làm cho sức mua giảm đáng kể. Riêng đối với ngành hàng trái cây của Việt Nam, có đến khoảng 80% xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhưng nhờ chủ động chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa nên hiện nay không bị thiệt hại lớn.
Dưới tác động của dịch bệnh, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm nên sản lượng sản xuất của các DN cũng sẽ giảm theo. Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, vừa qua Sở Công thương cũng triển khai một số giải pháp như hỗ trợ vận chuyển tiêu thụ trái cây. Riêng các nhóm ngành khác, Sở Công thương cũng thực hiện hỗ trợ các thủ tục, thông tin thị trường…
ANH PHƯƠNG