Thứ Tư, 11/03/2020, 09:25 (GMT+7)
.

Người dân không nên mua hàng hóa dự trữ

Hàng hóa trên thị trường hiện nay rất dồi dào.                          				                                                                                                                                                                                                                    Ảnh: a. PHƯƠNG
Hàng hóa trên thị trường hiện nay rất dồi dào. Ảnh: A. PHƯƠNG

Khuyến cáo này được cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp, trung tâm thương mại đưa ra dựa trên cơ sở hàng hóa trên thị trường hiện rất dồi dào, khó xảy ra tình trạng khan hiếm.

Gạo, mì gói các loại, sản phẩm đóng hộp… là những nhóm hàng có sức mua tăng đột biến trong những ngày gần đây và phần nhiều là do tác động tâm lý sợ dịch bệnh diễn ra.

Tâm lý sợ dịch bệnh

Việc người dân tập trung mua sắm một số mặt hàng nhu yếu phẩm vào thời điểm cuối tuần vừa qua không chỉ diễn ra ở các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Mỹ Tho, mà còn diễn ra ở các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thanh Thủy, đang mua sắm tại GO! Mỹ Tho vào chiều ngày 9-3 cho biết, hôm nay bà mua nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm chủ yếu do tác động tâm lý, lo sợ dịch bệnh xảy ra và thấy nhiều người đi mua.

Còn bà Nguyễn Hồng Thu lại cho rằng, thấy nhiều người đi mua gạo, đường, nước mắm… cũng lo nên đi mua một ít để có trong nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào và công tác phòng, chống dịch đã và đang được triển khai rất hiệu quả, vì vậy người dân nên yên tâm.

SỨC MUA TĂNG HƠN 200%

Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Tiền Giang đều đưa ra nhận định chung là dù sức mua tăng cao nhưng không có khả năng khan hiếm hàng hóa và người tiêu dùng nên yên tâm. Trao đổi vào chiều 9-3, bà Phạm Đức Phương, Phó Giám đốc Co.opmart Mỹ Tho cho biết, chỉ trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua, lượng khách mua hàng tại siêu thị tăng khoảng 200% và tập trung nhiều vào nhóm hàng nhu yếu phẩm.

Thật ra, do tâm lý sợ thiếu hụt hàng nên khách hàng đến mua với số lượng nhiều hơn bình thường để sử dụng trong gia đình nhằm hạn chế việc đi ra ngoài. Theo quan sát, hiện tại hàng thực phẩm công nghệ, dầu ăn, gạo là những nhóm hàng có sức mua tăng nhiều nhất. “Tuy nhiên, hệ thống Co.opmart cũng đã chủ động lượng hàng dự trữ và đang tập trung vào nhóm hàng thiết yếu cao hơn lượng hàng dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Hệ thống Co.opmart cũng chủ động nguồn hàng, đảm bảo không để thiếu hàng hóa nên người dân cứ yên tâm”- bà Phương nhấn mạnh.

Tương tự, ông Huỳnh Kim Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - TP. Mỹ Tho cũng cho rằng, trong những ngày gần đây nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến ở một số mặt hàng như mì gói, gạo, đường, đậu, nước tương, nước mắm, bột giặt, dầu gội… với mức tăng gần như gấp đôi so với bình thường.

HTX hiện là nhà phân phối của nhãn hàng mì 3 Miền, sữa Vinamilk, bột giặt Omo… Đối với nhóm hàng này, HTX đã có kế hoạch dự trữ và phục vụ thật tốt nhu cầu của người tiêu dùng. HTX cũng cam kết không để hụt hàng, nhất là đối với mì, sữa, bột giặt và đặt biệt là vẫn giữ ổn định giá bán. HTX quyết tâm phối hợp với nhà cung ứng để đủ lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Tiền Giang.

“Do tác động tâm lý sợ dịch bệnh diễn ra đã đẩy sức mua tăng đột biến, nhưng trong giai đoạn này người dân hết sức bình tĩnh, lượng hàng hóa không thiếu, các doanh nghiệp sản xuất liên tục và yêu cầu các đơn vị phân phối đặt hàng trước.

Chẳng hạn, trong ngày 10-3 HTX nhận 8.000 thùng mì 3 Miền, ngày 11-3 nhận 4.000 thùng và ngày 12-3 tiếp tục nhận 8.000 thùng... Nhà cung cấp cũng cam kết không để đứt hàng. Lưu lượng hàng hóa HTX chuẩn bị hiện cũng đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với giao dịch bình thường”- ông Tuấn cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Quản lý khu vực chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại Tiền Giang, gạo, mì gói các loại, gia vị, sản phẩm đóng hộp… là những nhóm hàng hóa được người tiêu dùng chọn mua nhiều trong những ngày gần đây, với tỷ lệ tăng từ 100% - 120%. Riêng mặt hàng gạo đóng túi có sức tiêu thụ tăng đến 300%. Tuy nhiên, theo ông Lâm, nguồn cung hàng hóa của hệ thống Bách hóa Xanh vẫn luôn đảm bảo.

Nguồn gạo dồi dào

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tại lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh khá lớn. Chẳng hạn như, Công ty Lương thực Tiền Giang có hơn 12.000 tấn, Công ty TNHH Việt Hưng hơn 19.000 tấn, Công ty TNHH Phước Đạt khoảng 14.000 tấn, Công ty cổ phần Mỹ Tường khoảng 5.000 tấn… Ông Võ Phước Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt cho biết, hiện công ty có 2 kho, với khoảng 14.000 tấn gạo. Hiện nay, giá lúa gạo có nhích lên nhưng theo quy luật của thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường chứ chưa có dấu hiệu biến động.

Trung bình mỗi siêu thị của Bách hóa Xanh dự trữ khoảng 500 kg đến 1 tấn gạo, còn đối với kho trung tâm cung cấp cho cả tỉnh Tiền Giang thường xuyên dự trữ khoảng 60 tấn gạo. Dù vào cao điểm mua sắm diễn ra những ngày qua, nhưng tại các cửa hàng của Bách hóa Xanh và kho trung tâm vẫn còn đủ lượng gạo phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Điểm khác biệt là giá gạo không những giữ ổn định mà còn đang được thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mãi, với khoảng 10 mặt hàng gạo đang được giảm giá. Hiện tại, Bách hóa Xanh có 55 cửa hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tới đây, nguồn cung hàng hóa trong hệ thống Bách hóa Xanh vẫn dồi dào do chiến lược kinh doanh của hệ thống là hàng hóa phải được trữ kho trước khoảng 2 tháng nên người dân không nên lo sợ thiếu hàng.

KHÔNG NÊN MUA HÀNG HÓA DỰ TRỮ

Sau khi khảo sát thực tế tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn tỉnh như Co.opmart Mỹ Tho, Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Mỹ Tho (Go! Mỹ Tho), Bách hóa Xanh, Vinmart+… vào chiều ngày 9-3, Giám đốc Sở Công thương Đoàn Văn Phương khẳng định, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chuẩn bị hiện nay rất dồi dào và phong phú, người dân nên bình tĩnh.

Theo đồng chí Đoàn Văn Phương, hiện nay, trên địa bàn Tiền Giang có tổng cộng 12 siêu thị, 1 trung tâm thương mại (Go! Mỹ Tho) và trên 65 cửa hàng tiện ích của hệ thống Bách hóa Xanh, Vinmart+ cùng 173 chợ truyền thống… đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nên người dân bình tĩnh và chỉ mua những hàng hóa cần thiết hằng ngày, không nên mua dự trữ dễ ảnh hưởng chất lượng hàng hóa và dễ gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, đẩy giá tăng lên.

Hàng hóa trên thị trường hiện nay rất dồi dào.
Mua hàng trong trung tâm GO! Mỹ Tho.

Đối với mặt hàng gạo, Sở Công thương cũng đã làm việc với các kho lương thực. Đến thời điểm hiện tại, lượng gạo trong kho của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn Tiền Giang hiện có trên 40.000 tấn gạo, chưa kể lượng gạo lớn từ chợ chuyên kinh doanh gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè). Đây là nguồn cung dồi dào, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ gạo và đáp ứng được yêu cầu an ninh lương thực của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, ngành Công thương cũng sẽ thực hiện các kế hoạch để doanh nghiệp thực hiện kết nối cung cầu, đảm bảo hàng hóa sản xuất và lưu thông một cách thông suốt, không để thiếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong điều kiện bình thường cũng như thời điểm có dịch bệnh xảy ra. Còn về mặt quản lý nhà nước, Sở Công thương cũng liên tục cùng với các doanh nghiệp khảo sát thực tế, để nắm lượng hàng tồn kho và sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt đối với những mặt hàng thuộc diện phải niêm yết, kê khai giá. Đặc biệt, Sở Công thương sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 không để xảy ra tình trạng găm hàng trục lợi, nâng giá tạo khan hiếm giả tạo; tạo môi trường sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt…

A.P

.
.
.