Những "quả ngọt" giữa mùa hạn, mặn
Nằm ở hạ lưu sông Tiền, mùa khô 2020, Tiền Giang phải đối mặt với hạn, mặn khốc liệt. Mặn xâm nhập sớm, lấn sâu về thượng lưu, diễn biến phức tạp, độ mặn rất cao, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất.
Đồng chí Lê Văn Hưởng thăm vườn thanh long đang đơm hoa của bà Kiều Thị Mười Một ở xã Đồng Sơn. |
Đặc biệt, việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vùng Dự án Bảo Định thuộc địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, vùng chuyên canh khóm ở huyện Tân Phước cũng như giải quyết nước sinh hoạt cho trên 800 ngàn dân TP. Mỹ Tho và các huyện, thị phía Đông của tỉnh hết sức nan giải.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, trước tình hình trên, Tiền Giang chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, phù hợp tình hình địa phương, đưa ra nhiều giải pháp thực thi để đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt là bảo vệ các vùng chuyên canh quan trọng của địa phương, giảm thiệt hại ở mức độ thấp nhất. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề nước sinh hoạt không để nhân dân những địa bàn ven biển đặc biệt khó khăn thiếu nước dùng hoặc phải dùng nước nhiễm mặn.
Vùng ngập lũ phía Tây có 36.121 ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn nằm phía Nam Quốc lộ I. Trong số đó, diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ là 24.731 ha bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long. Tại đây, còn một số địa bàn chưa có đê bao hoặc có đê bao nhưng chưa khép kín như Mỹ Long - Thuộc Nhiêu và các xã cặp sông Tiền: Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy)… UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giải pháp tích trữ để đảm bảo nước tưới tiêu. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa chỉ đạo dùng xà lan chở nước ngọt cấp miễn phí cho người dân để cứu sầu riêng. |
ĐẮP ĐẬP VÀ HIỆU QUẢ
Cụ thể, nhằm khắc phục xâm nhập mặn từ hướng sông Tiền vào kinh Nguyễn Tấn Thành, bảo vệ Dự án Bảo Định và vùng chuyên canh khóm của huyện Tân Phước, cuối tháng 2-2020, tỉnh đã đầu tư trên 16 tỷ đồng đắp đập thép trên vàm kinh Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất cho toàn khu vực; đồng thời, giải quyết nước sinh hoạt cho TP. Mỹ Tho và các huyện, thị phía Đông đang gặp nhiều khó khăn. Tiền Giang cũng tiếp tục cho đắp thêm hàng loạt đập trên các kinh có liên quan: Đập Cầu Rượu (trên kinh Sáu Ầu - Xoài Hột), kinh Một, kinh Mương Dông, kinh Ông Hổ, kinh Thuộc Nhiêu và kinh Bảo Định.
Hiện đang thi công tiếp 3 đập trên kinh Mỹ Long - Bà Kỳ, kinh Ban Chón - Trường Gà (kinh 3), kinh Kháng Chiến (kinh 2). Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư 5,3 tỷ đồng sửa chữa và làm mới 44 cống, đầu tư trên 9,2 tỷ đồng nạo vét 21 tuyến kinh nội đồng Dự án Bảo Định với tổng chiều dài gần 52.000 m, khối lượng đất đào đắp trên 193 ngàn m3, với mục đích trữ ngọt và cải thiện nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thiện Pháp, các con đập phát huy hiệu quả ngăn mặn xâm nhập vào hệ thống kinh Nguyễn Văn Tiếp (nguồn tiếp nước ngọt quan trọng cho toàn khu vực) đảm bảo nước tưới cho trên 100 ngàn ha; trong đó, có khoảng 64.000 ha đất canh tác trong Dự án Bảo Định thuộc địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang, Long An; gần 40.000 ha đất vùng Đồng Tháp Mười và vùng kiểm soát lũ của Tiền Giang. Đặc biệt là bảo vệ vùng thanh long chuyên canh của huyện Chợ Gạo an toàn trong mùa khô 2020.
Chưa kể, nhờ các con đập ngăn mặn này, tới thời điểm hiện tại, nguồn nước ngọt từ thượng nguồn chuyển tải về đủ phục vụ cho Nhà máy nước Đồng Tâm và Nhà máy nước Bình Đức, sản xuất cung ứng 100 ngàn m3 ngày/đêm, đảm bảo lượng nước sinh hoạt cho nhân dân TP. Mỹ Tho và 5 huyện, thị phía Đông tỉnh trong mùa hạn, mặn khắc nghiệt năm nay.
Đồng chí Lê Văn Hưởng thăm vườn thanh long đang đơm hoa của bà Kiều Thị Mười Một ở xã Đồng Sơn. Ảnh: MINH TRÍ |
NIỀM VUI NHÂN ĐÔI
Thực tế cho thấy, trước đây, do tình hình mặn đến sớm, cống Bảo Định phải đóng ngăn mặn nên mực nước nội đồng xuống rất thấp không đảm bảo tưới tiêu vùng chuyên canh thanh long của Dự án Bảo Định. Thế nhưng, sau khi kinh Nguyễn Tấn Thành được đắp ngăn mặn, nguồn nước từ kinh Nguyễn Văn Tiếp ở phía Bắc bị đập thép chặn lại phải hướng dòng về phía Đông, theo các tuyến kinh ngang dọc chằng chịt chảy vào đầy ắp trong các kinh, mương nội đồng của Dự án Bảo Định phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng thanh long bạt ngàn là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân bấy lâu nay.
Bà Kiều Thị Mười Một (ấp Ninh Đồng B, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) vừa chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ 4.000 m2 đang ra hoa sum sê vừa phấn khởi cho biết, mấy hôm nay, các con kinh đầy nước ngọt, đảm bảo tưới tiêu, nông dân ở đây hết sức vui mừng. Vườn thanh long của bà dự kiến giữa tháng 3 âm lịch sẽ thu hoạch, ước đạt sản lượng khoảng 8 tấn, tương đương năng suất 20 tấn/ha.
Từ xã Đồng Sơn qua các xã Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước, Quơn Long (huyện Chợ Gạo)…, những vùng chuyên canh thanh long nổi tiếng của huyện Chợ Gạo đều một màu xanh ngút mắt nhờ vào nguồn nước từ kinh Nguyễn Văn Tiếp đưa về nội đồng. Nhiều vườn đang đơm hoa kết trái. Nhiều vườn trái đang chín đỏ gần đến kỳ thu hoạch. Niềm vui của người nông dân chân lấm tay bùn như được nhân đôi giữa những thời khắc gian nan, khó khăn nhất. Hiệu quả trên mang lại từ chủ trương đắp đập khẩn cấp ngăn mặn trên vàm kinh Nguyễn Tấn Thành.
Theo lãnh đạo tỉnh, những giải pháp quyết liệt được thực thi đang kết thành quả ngọt. Trước mắt là cơ bản đảm bảo được nguồn nước ngọt tưới tiêu, phục vụ sản xuất và đời sống người dân vùng Dự án Bảo Định và vùng chuyên canh khóm của tỉnh, giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân TP. Mỹ Tho và khu vực phía Đông.
Thắng lợi ấy từ ý Đảng, lòng dân, từ những chủ trương đúng và chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Tiền Giang khi ứng phó với hạn, mặn gay gắt, phức tạp trong mùa khô năm 2020. Đây cũng là cơ sở để trong tương lai, tỉnh xây dựng những kế hoạch mang tính chiến lược, dài hơi và bền vững trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
MINH TRÍ