Chủ Nhật, 08/03/2020, 21:12 (GMT+7)
.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Cần thực hiện tốt hơn nữa công tác ứng phó với hạn, mặn

(ABO) Phát biểu tại buổi làm việc với 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau vào chiều 8-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm nay, tình hình hạn, mặn diễn ra nghiêm trọng hơn năm 2016. Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất diễn ra khá trầm trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Thủ tướng, dù dự đoán được tình hình hạn, mặn năm nay sẽ khốc liệt, Trung ương có cảnh báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có nhiều biện pháp chỉ đạo, các địa phương chủ động đề ra nhiều biện pháp ứng phó, song vùng ĐBSCL vẫn bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các bộ, ngành liên quan, các tỉnh ĐBSCL, nhất là 7 tỉnh ven biển phải hết sức chủ động, sáng tạo, năng động bằng các giải pháp cụ thể, chi tiết ứng phó với hạn, mặn.

Thủ tướng nhìn nhận, dù năm nay, hạn, mặn cao hơn nhưng thiệt hại chỉ bằng 9,6% về cây lúa so với năm 2016 và so với cả khu vực ĐBSCL chỉ thiệt hại 1,2%.

“Đó là thành công quan trọng mà chúng ta đã có bước chuyển thời vụ mạnh mẽ, nhân dân đã có bước chuyển nhận thức rõ, coi hạn, mặn là thực tế phải đối mặt.

Song song đó, chính quyền có các giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt, xây dựng các công trình ứng phó. Tất cả là nguyên nhân rất quan trọng tạo nên kết quả bước đầu đến nay” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng cao vào tháng 3, đặc biệt từ ngày 7 đến ngày 15-3, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất là rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, Bộ NN&PTNT và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong công tác ứng phó hạn, mặn, giảm thiệt hại sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT theo dõi dự báo nguồn nước từ thượng nguồn để có thông tin kịp thời.

Trong thời điểm này, các bộ liên quan phối hợp với các địa phương đánh giá thực trạng nguồn nước để cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đồng thời, có biện pháp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, chú trọng đến hộ nghèo, gia đình chính sách cần được hỗ trợ kịp thời hơn…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh xuống giống khoảng 57.600ha.

Đến nay, tỉnh đã thu hoạch được khoảng 30.000ha, diện tích thu hoạch ăn chắc khoảng 55.000ha, khoảng 2.200ha do không tuân thủ lịch gieo sạ nên có thể bị ảnh hưởng tới năng suất và bị mất trắng một phần.

Với khoảng 80.000ha cây ăn trái, đến thời điểm này, tỉnh chưa xuất hiện vườn cây ăn trái bị chết. Hiện diện tích cây sầu riêng đang gặp khó khăn về nguồn nước tới, thời gian tới tỉnh sẽ có biện pháp khẩn cấp để giải quyết khó khăn này.

Về nước sinh hoạt, với khoảng 1,7 triệu dân, đến giờ này, một số nơi, nguồn nước bị yếu cục bộ, nhưng tỉnh đã kịp thời đưa nguồn nước đến người dân, không có tình trạng thiếu nước.

Để đạt được những điều này, trước hết là do kinh nghiệm từ năm 2016, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là ý thức của người dân trong phòng, chống hạn, mặn đã được nâng lên.

Ngoài ra, tỉnh đã có kế hoạch ứng phó kịp thời và sát thực tế. Sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh đã rút ra được một số kinh nghiệm sâu sắc và tiếp tục có một số biện pháp ứng phó.

Đến thời điểm này, có thể nói công tác ứng phó hạn, mặn ở tỉnh tuy vất vả nhưng bước đầu đã vượt qua.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc cắt vụ, chuyển vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung đảm bảo nguồn nước sinh hoạt…

M. THÀNH

.
.
.