Thứ Tư, 11/03/2020, 09:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Cấp nước ngọt miễn phí để cứu sầu riêng

Người dân dùng nhiều vật dụng để lấy nước ngọt về tưới cho cây trồng.
Người dân dùng nhiều vật dụng để lấy nước ngọt về tưới cho cây trồng.

Do ảnh hưởng của mặn, người trồng cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy phải mua nước ngọt về “giải khát” cho cây. Trước tình hình đó, UBND tỉnh quyết định thuê sà lan chở nước về cấp miễn phí cho người dân từ ngày 15-3 đến hết tháng 4-2020.

 

Mình làm được gì cho dân thì làm. Chúng ta phải chở nước ngọt một cách nhanh nhất về phục vụ cho nhân dân. Không bàn nữa, làm ngay.

 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
LÊ VĂN HƯỞNG

Sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, loại cây trồng này rất mẫn cảm với hạn, mặn. Trong thời gian qua, hạn, mặn kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

NHIỀU DIỆN TÍCH SẦU RIÊNG SUY KIỆT

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng cho biết, dự báo mức độ hạn, mặn năm nay không sát với thực tế nên công tác ứng phó chưa đạt yêu cầu cao. Ban đầu, nước ngọt được đưa vào nội đồng cao nhưng nhu cầu sử dụng lớn nên trong thời gian ngắn nước đã cạn ở các tuyến kinh. Nhiều ngày nay, nhiều xã trên địa bàn huyện như: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong và 1 phần Long Trung, Long Tiên… thiếu nước ngọt trầm trọng. Đến nay, địa phương khảo sát và ghi nhận có 800 ha sầu riêng bị rụng lá, 40 ha cây bị chết chủ yếu do thiếu nước ngọt.

TX. Cai Lậy cũng có diện tích trồng sầu riêng khá lớn. Đến thời điểm này, 5% diện tích trồng cây đặc sản này đã bị cháy lá và rụng lá. Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Tấn Kiệt cho biết, mặc dù địa phương đã có nhiều giải pháp để cứu cây sầu riêng, nhưng hạn, mặn quá gay gắt và kéo dài nên các vùng trồng sầu riêng sâu bên trong đã bị ảnh hưởng. Người dân chủ động mua nước ngọt từ các tàu, sà lan hoặc xe nhưng cũng không đủ đáp ứng. 

Huy động nhiều tàu tải trọng lớn

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm Trần Đỗ Liêm cho biết, HTX sẽ huy động tối đa số lượng tàu có được, tải trọng 1.500 - 2.000 m3 nước. HTX cũng kéo tuyến ống khoảng 500 m để bơm trực tiếp vào các bể mà địa phương chọn hoặc các ghe có tải trọng nhỏ vận chuyển vào sâu bên trong.

Trước mắt, những địa phương có chỗ thì HTX tiến hành bơm ngay ngày 13-3 để giải quyết các vùng trồng sầu riêng đặc biệt khó khăn về nước ngọt. Sau đó, HTX sẽ huy động nhiều tàu hơn thay phiên nhau lấy và bơm nước nhằm cung cấp tối đa cho người dân các vùng này.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, đối với cây sầu riêng giai đoạn cho thu hoạch (trên 5 năm tuổi trở lên) cần 100 lít nước/cây/lần tưới và tưới 4 lần/tháng. Như vậy, với mật độ trồng bình quân 200 cây/ha nên cần 80 m3/ha/tháng. Đối với cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết
(từ 2 đến 5 năm tuổi) thì cần 50 lít/cây/lần tưới và cần tưới 40 m3/ha/tháng.

LÀM NGAY - KHÔNG BÀN NỮA

Theo phương án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh sẽ thuê tàu chở nước ngọt cấp cho các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy để tưới cho 12.100 ha sầu riêng bị ảnh hưởng hạn, mặn, với thời gian hỗ trợ nước ngọt để tưới 1,5 tháng. Tổng kinh phí thực hiện theo phương án là gần 37 tỷ đồng.

Tại cuộc họp chiều 9-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, việc cấp ngọt cho các địa phương phục vụ vùng trồng sầu riêng rất khẩn cấp. Các huyện phải khảo sát ngay địa điểm, rà soát và thống kê các hộ, diện tích sầu riêng trên địa bàn. Những khu vực, diện tích nào đang “khát” nước ngọt thì ưu tiên trước.

Riêng các khu vực nằm xa kinh trục, địa phương phải có ghe, có tàu nhỏ để trung chuyển đến điểm cố định. Tỉnh cho kinh phí thuê tàu chở nước về, địa phương phải bỏ kinh phí mua bạt về trải lấy nước ở những điểm cố định và ghe trung chuyển vào những điểm sâu bên trong. Vấn đề này phải làm thật kỹ, nếu thực hiện chưa tốt sẽ không công bằng cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu địa phương phối hợp với ngành Nông nghiệp khảo sát và bố trí ngay các điểm lấy nước tập trung. Đồng thời, rà soát ngay những khu vực người dân cần nước ngọt nhất để cung cấp ngay, bất kể xa gần. Các huyện như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy trực tiếp ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm để chở nước; giám sát quá trình lấy nước, lo phương tiện vận chuyển nước cho người dân.

Các xã huy động cán bộ, các tổ chức, đoàn thể chung tay hỗ trợ vận chuyển nước cùng với nhân dân trên địa bàn. Chính quyền cấp nước ngọt tại những điểm tập trung, sau đó người dân dùng phương tiện có được đến lấy nước chở về tưới cho cây trồng. Ngoài ra, ngành chức năng thống kê ngay các xe của Công ty Công trình đô thị. Ngoài thời gian phục vụ tưới tiêu cho đô thị, các xe này sẽ được huy động tối đa để cùng hỗ trợ lấy nước ngọt phục vụ cho vùng sầu riêng ở các địa phương trên.

SĨ NGUYÊN

.
.
.