Thứ Sáu, 27/03/2020, 17:29 (GMT+7)
.

Xổ xả cống Gò Công để cải thiện môi trường nước bị ô nhiễm

(ABO) Ngày 27-3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đến kiểm tra việc chuẩn bị xổ xả cống Gò Công để cải thiện môi trường nước khu vực TX. Gò Công bị ô nhiễm.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc việc vận chuyển nước ngọt về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm để phục vụ việc sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân các huyện, thị phía Đông.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm để phục vụ việc sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân các huyện, thị phía Đông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 nên các cống trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đã đóng ngăn mặn trong thời gian dài, không tiêu thoát nước được làm cho môi trường nước trong vùng dự án bị ô nhiễm, đặc biệt là khu vực TX. Gò Công.

Để cải thiện môi trường nước khu vực TX. Gò Công, kể từ ngày 30-3-2020, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho xổ xả cống Gò Công để cải thiện môi trường nước khu vực TX. Gò Công bị ô nhiễm.

Trước khi xổ xả cống Gò Công, ngành Nông nghiệp sẽ vận hành lấy nước (mực nước lấy vào dự kiến -1 m).

Trong quá trình cống Gò Công vận hành lấy nước, ngành Nông nghiệp đề nghị UBND TX. Gò Công chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường có liên quan đóng các cống ven rạch Gò Công, kinh Salisette, rạch Vàm Giồng và khảo sát tình hình nước xâm nhập (nếu có) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, trong quá trình xổ xả các cống nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc thì phản ánh về Sở NN&PTNT và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang để xem xét, giải quyết kịp thời.

Đây là đợt vận hành xổ xả công trình với mục đích giải quyết ô nhiễm môi trường nước, không phải phục vụ cho sản xuất vì độ mặn vẫn còn cao. Do đó, người dân không nên lấy nguồn nước này để phục vụ sản xuất.

Cũng theo Sở NN&PTNT, Tiểu dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công là một trong bốn tiểu dự án thuộc Dự án đầu tư “Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng” do ADB và AusAID tài trợ đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3000/QĐ-BNN-TCTL ngày 6-12-2011 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2872/QĐ-UBND ngày 1-10-2010.

Dự án được khởi công vào tháng 6-2016 và đến tháng 3-2019 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc chuẩn bị xổ xả cống Gò Công để cải thiện môi trường nước khu vực TX. Gò Công bị ô nhiễm.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc chuẩn bị xổ xả cống Gò Công để cải thiện môi trường nước khu vực TX. Gò Công bị ô nhiễm.

Dự án được xây dựng với mục tiêu nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn từ rạch Gò Công vào khu vực dự án, giữ ngọt cho vùng dự án Gò Công, nâng cao mức đảm bảo nguồn tưới cho diện tích canh tác nông nghiệp; đồng thời, giảm chi phí bơm tưới, làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Với quy mô gồm xây dựng mới 3 cống (cống Nguyễn Văn Côn, 2 cửa, bề rộng mỗi cửa 7,5m; cống Salisette, 1 cửa, bề rộng mỗi cửa 10m; cống Sơn Qui, 2 cửa, bề rộng mỗi cửa 10m) ngăn mặn, giữ ngọt, nhiệm vụ các cống là ngăn mặn xâm nhập từ biển theo rạch Gò Công, giữ ngọt trong mùa khô và tiêu thoát nước chống úng ngập trong mùa mưa; tiêu thoát nước giải quyết ô nhiễm môi trường cho diện tích canh tác nông nghiệp của TX. Gò Công và xây dựng các đoạn đê bao kết nối 3 cống ngăn mặn với hệ thống đường giao thông làm nhiệm vụ ngăn mặn.

Tại chuyến kiểm tra, đồng chí Lê Văn Hưởng yêu cầu trong quá trình vận hành lấy nước để tiến hành xổ xả cống Gò Công, ngành Nông nghiệp và các địa phương phải tiến hành đóng các cửa cống trong vùng dự án.

Đồng thời, tuyên truyền người dân không sử dụng nguồn nước này để phục vụ sản xuất.

Cùng ngày, đồng chí Lê Văn Hưởng cùng đồng chí Phạm Anh Tuấn còn đến kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm để phục vụ việc sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân các huyện, thị phía Đông.

Theo Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT, những ngày qua, độ mặn tăng cao dẫn đến nguồn nước trên kinh Sáu Ầu - Xoài Hột cũng tăng theo, ảnh hưởng đến việc lấy nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.

Từ tình hình trên, ngày 25-3 đến nay, tỉnh đã thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ khu vực cầu Mỹ Thuận về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm pha vào các nguồn nước lấy từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột và các giếng khoan để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân các huyện, thị phía Đông của tỉnh.

Hiện mỗi ngày, có khoảng 17.000m3 nước ngọt được vận chuyển bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.

Trên cơ sở đó, hiện mỗi ngày, Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cung cấp khoảng 60.000m3 nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện, thị phía Đông.

Với sự chủ động, quyết liệt của UBND tỉnh cùng các ngành chức năng, dù tình hình hạn, mặn rất gay gắt, song cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt cho người dân các huyện, thị phía Đông vẫn được đảm bảo.

M. THÀNH

.
.
.