Bài 1: Khẳng định lại vị thế
Diện mạo TP. Mỹ Tho đã có nhiều thay đổi. Ảnh: MINH THÀNH |
Vị thế của Tiền Giang cũng được thay đổi khá nhiều trong bức tranh chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ các chỉ tiêu như thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút đầu tư…
1. Khi nhắc đến Tiền Giang, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất Mỹ Tho. Đó là một vùng đất nổi tiếng của cả Nam bộ, là một trong những đô thị có bề dày lịch sử hình thành và phát triển sớm nhất tại Nam bộ. Nếu tính dấu mốc năm 1679, khi danh xưng “Mỹ Tho đại phố” ra đời, đến nay đô thị Mỹ Tho đã tròn 340 tuổi.
Ngần ấy thời gian, TP. Mỹ Tho nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung đã trải qua biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước ở vùng đất phương Nam, đặc biệt là trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhắc đến Mỹ Tho, nhiều người còn nghĩ ngay đến sự hưng thịnh của chợ phố lớn Mỹ Tho. Nơi đây từng một thời là minh chứng cho sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế hàng hóa đã có những bước phát triển đáng kể. Bởi trong giai đoạn hưng thịnh này, nông sản không chỉ đủ dùng cho nhu cầu của cư dân Mỹ Tho, mà còn dư ra với số lượng lớn, trở thành hàng hóa được buôn bán trên thị trường cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Một thời, thế mạnh vượt trội của Mỹ Tho đại phố là thương mại và thương mại ở đây đã vươn ra tầm thế giới. Nhắc nhớ đôi chút về lịch sử để thấy rằng, vùng đất Mỹ Tho xưa, nay là Tiền Giang đã có vị thế khá lớn của vùng đất Nam bộ và cũng để nhắc nhớ rằng vùng đất, con người Tiền Giang luôn biết vượt qua thách thức để vươn lên.
Với lịch sử 340 năm hình thành và phát triển, từ Mỹ Tho đại phố đến tỉnh Định Tường rồi tỉnh Tiền Giang ngày nay, đã đưa Tiền Giang từ tỉnh có nhiều khó khăn vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng để đạt được những thành tựu như hôm nay, nhất là kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, là cả một chặng đường dài, với nhiều thách thức, khó khăn. Cùng chung điều kiện tự nhiên với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang cũng bắt đầu xây dựng khôi phục và phát triển từ nền nông nghiệp với bộn bề những khó khăn trước khi tính đến chủ trương phát triển công nghiệp hay thương mại, dịch vụ sau này.
Đó là thách thức trước tình cảnh người dân thiếu lương thực phải ăn độn trên vùng đất lúa vào những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, đó là những trận lũ lụt lịch sử, phá hoại của rầy nâu… Ngành Nông nghiệp của Tiền Giang trong giai đoạn này chủ yếu là cây lúa và còn nặng về tự cấp tự túc nên đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.
Cuộc chiến với ngành Nông nghiệp đã được triển khai trên nhiều mặt trận với mong muốn bứt phá vươn lên, trước mắt đảm bảo đủ lương thực cho người dân trong tỉnh. Một khi người dân đủ ăn, kinh tế khá lên, đi cùng là thương mại, dịch vụ, công nghiệp cũng bắt đầu được manh nha.
Để rồi sau 45 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, vị thế của Tiền Giang đã dần được khẳng định so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, Mỹ Tho cũng dần lấy lại vị thế của một đô thị có bề dày lịch sử 340 năm trong bức tranh chung của toàn vùng.
Giờ đây, với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, địa thế trên bến dưới thuyền, Mỹ Tho đã trở thành trung tâm giao thương lớn của cả vùng và giữa vùng Nam bộ với các nước khác. Trải qua quá trình lịch sử và sự phát triển chung của đất nước, vị thế của Mỹ Tho tuy không còn được như trước nữa, nhưng những giá trị văn hóa thương mại vẫn còn nguyên vẹn, tinh thần hợp tác làm ăn để cùng nhau phát triển đã đi sâu vào văn hóa, cốt cách của cộng đồng dân cư Tiền Giang.
2. Vậy là sau 45 năm, từ chỗ người dân thiếu lương thực, thương mại, công nghiệp, dịch vụ gần như chưa có gì, Tiền Giang đã tạo nên nhiều điểm nhấn mới. Giờ đây, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng như: Lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại với sản lượng lớn như: Trái cây hơn 1,4 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước, rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm, đàn gia cầm khoảng 13 triệu con…
Cũng ít ai nghĩ rằng ngành Công nghiệp của Tiền Giang có bước nhảy vọt, đặc biệt sau khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Mở rộng giao thương không chỉ với các tỉnh, thành trong nước, mà còn đối với nhiều nước, Tiền Giang đã đón nhiều nhà đầu tư mới.
Đó là tiền đề để đến thời điểm hiện tại, ngoài Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, KCN Tân Hương có tỷ lệ lấp đầy 100%, các KCN hiện hữu còn quỹ đất cho phát triển như: KCN Long Giang, KCN Gò Công và các cụm công nghiệp. Theo quy hoạch và chiến lược phát triển, Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông và các Cụm công nghiệp như: Hậu Thành, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân, Tân Lý Đông, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Đông, Mỹ Lợi, Bình Ninh… Đó cũng là bước tiến dài của ngành Công nghiệp của một tỉnh mà trước đây thuần về nông nghiệp.
Trong chặng đường 45 năm đã qua, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh nhà và cộng đồng doanh nghiệp, Tiền Giang đã từng bước phát huy, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu như: Xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách đều tăng lên qua từng năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đó là những dấu son mà Tiền Giang đã đạt được kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước...
A. PHƯƠNG
(Còn tiếp)