Lập đoàn kiểm tra thực tế lượng gạo xuất khẩu
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương rồi Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đều có các động thái để làm rõ và giải quyết những lùm xùm, khúc mắc của doanh nghiệp về nhu cầu xuất khẩu gạo hiện nay.
Theo Bộ Công thương, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã ban hành quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 và có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị phối hợp triển khai thực hiện. Theo quyết định này, hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn gạo.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, Bộ Công thương nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như: không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống…
Câu chuyện gạo đang nóng khi giá xuất cao mà nhiều doanh nghiệp lại không xuất được. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công thương |
Để chuẩn bị cho phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5-2020, đêm 17-4, Bộ Công thương cho biết, đã ban hành quyết định thành lập “Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo” gồm 10 thành viên là đại diện từ Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4-2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian làm việc từ ngày 20-4 đến ngày 24-4.
Cùng thời điểm này, Tổng cục Hải quan cũng đã có điện hỏa tốc gửi các đơn vị chức năng trực thuộc yêu cầu kiểm tra thực tế số lượng gạo xuất khẩu, xử lý các vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo xuất khẩu, tránh gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Theo yêu cầu của Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), việc kiểm tra thực tế để xác định lượng hàng hóa thực xuất khẩu, đề nghị các đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ không yêu cầu doanh nghiệp phải dỡ hàng ra khỏi container (đối với hàng hóa đóng trong container).
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, khối lượng hàng hóa phải được kiểm tra qua cân, được cơ quan hải quan ghi nhận để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu.
Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, cơ quan hải quan căn cứ khối lượng hàng hóa thực tế được xếp lên phương tiện vận tải của hãng tàu hoặc đơn vị xếp dỡ để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra theo dõi việc thực hiện của công chức hải quan không để tình trạng phiền hà, sách nhiễu gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Để giải quyết những khó khăn, khúc mắc và kiến nghị của doanh nghiệp hiện không thể đăng ký được hồ sơ xuất khẩu gạo theo hạn ngạch hoặc lượng gạo vẫn còn tồn, Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 4676 do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký, đề nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24-3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4. Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu. Theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì lượng gạo này là 146.453 tấn.
Về việc quản lý hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đề nghị Thủ tướng phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu để giao Bộ Công thương phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện hoặc tổ chức đấu giá hạn ngạch.
(Theo sggp.org.vn)
.