Thứ Năm, 02/04/2020, 16:02 (GMT+7)
.

"Liều thuốc giảm đau" cho nền kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng quý I thấp nhất trong 11 năm qua, hàng loạt chỉ số tăng trưởng của các ngành lao dốc vì "ngấm đòn" dịch bệnh COVID-19.
 
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ khẳng định “lò xo” kinh tế sẽ bật lên khi dịch bệnh được giải quyết
 
a
Thủ tướng Chính phủ khẳng định “lò xo” kinh tế sẽ bật lên khi dịch bệnh COVID-19 được giải quyết.
Theo đó, mặc dù tăng trưởng quý I-2020 chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua, tuy nhiên đây là một cố gắng trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm hoặc bằng không.
 
Minh chứng, Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố của Ngân hàng Thế giới nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các nước có trong báo cáo.
 
“Khó khăn chồng chất nhưng chúng ta kiên trì, quyết liệt hơn, phấn đấu bảo đảm nền kinh tế không bị đổ gãy, với mức tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm các cân đối lớn”, Thủ tướng khẳng định.
 
Tuy nhiên vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế, chỉ số tăng trưởng các ngành sụt giảm mạnh đã “chạm đáy” nhiều năm qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trong quý I chỉ đạt 5,28%, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua và tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.
 
Cùng với đó là sự sụt giảm, tạm ngừng sản xuất của nhiều tập đoàn, tổng công ty đã làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nước ta. Nhiều tập đoàn, đơn vị có doanh số chỉ bằng 5% so với cùng kỳ.
 
Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp chững lại, xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường, tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông". Những tập đoàn tổng công ty lớn cũng chung cảnh ngộ sụt giảm, tạm ngừng sản xuất hay doanh thu chỉ đạt 5% so với cùng kỳ.
 
Các đầu tàu kinh tế lớn cũng chỉ đạt mức tăng trưởng “bèo bọt”, TP. HCM chỉ tăng trưởng 1% trong quý I vừa qua.
 
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã quyết định tăng “liều thuốc giảm đau” cho nền kinh tế với hàng loạt gói hỗ trợ.
 
Trước hết, đó là nới lỏng tiền tệ, thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ. Thực tế biện pháp này đã được đưa ra thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị 11 với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ để cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, gói hỗ trợ này không chỉ 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.
 
Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.
Thứ hai là kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công. “Gói này không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thứ ba, hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.
 
“Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cho nên, về vấn đề kinh tế, muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ. 
 
Thủ tướng cho biết hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sẽ tổ chức vào thời điểm phù hợp.
 
Định hướng một số nhiệm vụ tới, Thủ tướng nêu rõ nhất quán tinh thần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chú trọng giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi, sớm có kịch bản điều hành không để bị động, bảo đảm thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp. Kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu.
 
Đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch COVID-19.
 
Những gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch
 
Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
 
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.
 
Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc: hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch; Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; Người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực; Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
 
Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng các nguyên tắc hỗ trợ .
 
Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ Internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.
 
(Theo enternews.vn)
.
.
.