Tiền Giang: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt khó
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi vay… đã được ngành Ngân hàng triển khai thực hiện cho khách hàng.
Ngành Ngân hàng Tiền Giang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn. Ảnh: MINH THÀNH |
GIẢM LÃI VAY, GIA HẠN NỢ
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang đã tập trung thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam tại Công văn 1117, Công văn 1425, Công văn 1835 về triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn và thực hiện Thông tư 01/2020 ngày 13-3-2020 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Chỉ thị 02 ngày 31-3-2020 về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19…
Theo NHNN Chi nhánh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 17/29 chi nhánh ngân hàng thương mại thông báo việc triển khai các gói, chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đến cuối tháng 3-2020, kết quả hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 của các tổ chức tín dụng bước đầu được ghi nhận: Có 119 khách hàng, với dư nợ 1.813 tỷ đồng được hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 6 khách hàng, giảm lãi vay cho 18 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu lại và giảm lãi là 144 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã cho 95 khách hàng vay mới, với dư nợ 1.669 tỷ đồng để ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Theo NHNN Chi nhánh Tiền Giang, đến ngày 31-3, tổng nguồn vốn huy động ngành Ngân hàng Tiền Giang đạt 70.021 tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ 2,49% (cùng kỳ tăng 3,32%); tổng dư nợ cho vay đạt 57.689 tỷ đồng, tăng 2,44% so với cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ 1,97% (cùng kỳ tăng 4,41%); nợ xấu chiếm 0,80%/tổng dư nợ… |
Đại diện NHNN Chi nhánh Tiền Giang cũng cho biết thêm, ngoài hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng Tiền Giang cũng đã hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Theo đó, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và quy định pháp luật liên quan khác.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Tiền Giang cũng ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định; chủ động phối hợp với các bên liên quan trong triển khai các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để đẩy mạnh giải ngân theo đúng tiến độ thi công, nhanh chóng đưa các công trình này vào sử dụng, đặc biệt là các xã, vùng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Kết quả hỗ trợ đến cuối tháng 3-2020 cho thấy, tổng dư nợ bị ảnh hưởng hơn 691 tỷ đồng, đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 112 khách hàng, với tổng dư nợ hơn 16 tỷ đồng; doanh số cho vay mới lũy kế hỗ trợ đạt được hơn 399 tỷ đồng, thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu là 656 triệu đồng; miễn, giảm lãi vay cho 1 khách hàng, với dư nợ được miễn, giảm lãi 14,9 triệu đồng; cho vay mới cho 96 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế hơn 399 tỷ đồng; hỗ trợ 14 khách hàng, với dư nợ 460 triệu đồng thông qua biện pháp khác gồm khoanh nợ và gia hạn nợ…
CHUNG TAY SẺ CHIA
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Tiền Giang cũng chia sẻ khó khăn cho đồng bào trong vùng bị ảnh hưởng do hạn, mặn thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Công đoàn ngành Ngân hàng đã phát động trong công đoàn viên đóng góp một ngày lương để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đồng bào bị thiệt hại do hạn, mặn.
Ngày 23-3-2020, NHNN Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại; tại điểm cầu Tiền Giang, Công đoàn ngành Ngân hàng đã trao 3 tỷ đồng ủng hộ cho đồng bào trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do hạn, mặn (gồm 1.500 thùng chứa nước dung tích 300 lít và 15 máy lọc nước). Các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn vận động trong cán bộ, công nhân viên đóng góp ủng hộ 600 thùng nước lọc (20 lít), trao cho 300 hộ dân của tỉnh và 169 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ, công chức tại đơn vị tham gia Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ, phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và ủng hộ một ngày lương với số tiền gần 32 triệu đồng.
Thực hiện Chỉ thị 02 ngày 31-3-2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; thực hiện các chỉ đạo của tỉnh, NHNN Chi nhánh Tiền Giang yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, của tỉnh và ngành Y tế.
Đồng thời, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hạn, mặn, NHNN Chi nhánh tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh bám sát Chỉ thị 02, Thông tư 01 ngày 13-3-2020 của NHNN Việt Nam và các quy định khác..., chủ động rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn, tích cực đẩy mạnh triển khai các gói, chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân ổn định duy trì sản xuất, kinh doanh.
A.P