Tín hiệu vui trong phát triển cây ăn trái
Tiền Giang có diện tích cây ăn trái đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long song tình hình tiêu thụ vẫn chưa ổn định. Để giải quyết “bài toán” này, tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu.
Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung vào phát triển cây ăn trái.
Tiền Giang đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào chế biến trái cây. |
DIỆN TÍCH TĂNG NHANH
Ở các huyện, thị phía Đông, nông dân đã đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như: Thanh long, bưởi da xanh... Ở các huyện phía Tây, khu vực Bắc Quốc lộ 1, người dân ào ạt lên vườn để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, mít Thái… Do đó, diện tích cây ăn trái không ngừng tăng.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha cây ăn trái, sản lượng hằng năm hơn 1,5 triệu tấn trái các loại. Nhiều loại trái đã được xây dựng thương hiệu, xuất khẩu đi các nước như: Sầu riêng, thanh long, vú sữa, xoài cát Hòa Lộc… Mặt khác, toàn tỉnh đã hình thành một số vùng trồng tập trung như: Cây khóm 15.500 ha, thanh long 8.000 ha, mít 6.000 ha...
Trong đó, sầu riêng với khoảng 13.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy. Nếu trước đây, sầu riêng chỉ được trồng ở phía Nam Quốc lộ 1 thì nay cây trồng này đã bám rễ trên nhiều diện tích đất lúa ở phía Bắc Quốc lộ 1.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng, địa phương hiện có khoảng 9.000 ha sầu riêng, chiếm khoảng 75% diện tích sầu riêng trên toàn tỉnh, hiệu quả trồng sầu riêng cao gấp 10 lần so với chuyên canh cây lúa. Thu nhập từ cây sầu riêng đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bên cạnh cây sầu riêng, cây thanh long cũng đang phát triển mạnh, trở thành cây “kinh tế” ở các huyện phía Đông của tỉnh và một phần của huyện Tân Phước. Những năm qua, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 9.100 ha trồng thanh long, diện tích cho trái trên 6.500 ha, năng suất đạt trung bình khoảng 30 tấn/ha, sản lượng gần 200 ngàn tấn.
Anh Trần Văn Tiền (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết, rất nhiều người dân ở xã đã bỏ lúa sang trồng thanh long. So về lợi nhuận, trồng thanh long cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Đây là vấn đề mấu chốt dẫn tới người dân dọc theo sông Tra (huyện Gò Công Tây) mạnh dạn lên liếp trồng thanh long.
Phát triển cây ăn trái hiện đang bị “nghẽn” ở khâu chế biến. |
KÊU GỌI ĐẦU TƯ
Thời gian qua, dù nhiều loại trái cây của tỉnh đã được xuất đi các nước, song vẫn phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện thị trường này không còn dễ tính như trước, nhiều “hàng rào” kỹ thuật đã được dựng lên. Đặc biệt, vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng rất lớn do các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc bị đóng.
Trước tình hình trên, các loại trái cây chủ lực của tỉnh như sầu riêng, thanh long rớt giá thê thảm. Có thể nói, “điểm nghẽn” trong tiêu thụ trái cây của tỉnh là hầu như chỉ bán tươi. Dù tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các loại trái cây đặc sản, thế mạnh của tỉnh, nhưng lượng hàng tồn vẫn còn khá nhiều, nhất là trái cây loại 2, 3.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, những năm tới, định hướng của tỉnh là tập trung vào xuất khẩu trái cây. Ở tỉnh đã hình thành một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Hiện xuất khẩu tươi thì dễ, nhưng những trái cây loại 2, 3 vẫn còn rất nhiều. Do đó, tỉnh sẽ tập trung vào chế biến trái cây từ loại 2 trở xuống, tiêu thụ được loại trái cây này sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hiện tỉnh đang kêu gọi chế biến khóm Tân Phước và các loại trái cây khác. Trái dừa ở huyện Chợ Gạo cũng đã có nhà đầu tư. Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung chuyển nhanh diện tích lúa còn lại. Với hơn 70 ngàn ha cây ăn trái/250 ngàn ha đất tự nhiên, tỉnh phấn đấu chuyển đổi diện tích cây ăn trái lên 150 ngàn ha và phải có thị trường xuất khẩu ổn định.
Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây thời gian gần đây đang có những tín hiệu tích cực. Theo đó, Công ty Đông trùng hạ thảo Hima đang nghiên cứu Dự án Nhà máy chế biến sầu riêng tại huyện Cai Lậy. Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 138 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 50 năm. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động. Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp cùng địa phương thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã đến làm việc và khảo sát vùng trồng thanh long của tỉnh để nghiên cứu xây dựng chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đây rõ ràng là một cơ hội rất tốt để thanh long của tỉnh có thêm kênh tiêu thụ, giải quyết đầu ra, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, xuất khẩu dạng tiểu ngạch không còn thuận lợi, do đó phải tính đến xuất khẩu bằng con đường chính ngạch với những đòi hỏi hết sức khắt khe về chất lượng cùng những rào cản nghiêm ngặt phải tuân thủ. Trước tình hình trên, việc xây dựng chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long đối với địa phương là rất quan trọng và cần thiết.
Ngoài những dự án đầu tư chế biến trái cây trên, một số nhà đầu tư khác cũng đã tìm hiểu và mong muốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là trái cây. Tuy nhiên, rào cản đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào chế biến vẫn còn nhiều, trong đó có những khó khăn như: Chưa kết nối được vùng nguyên liệu sản phẩm; thiếu mặt bằng sản xuất, công nghệ; chưa kết nối được với nông dân… Hiện tỉnh đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc này, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây để góp phần tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Ý PHƯƠNG