.

TX. Cai Lậy: Chủ động các giải pháp ứng phó hạn, mặn

Cập nhật: 14:59, 13/04/2020 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sản xuất của nhà vườn.

Ngay từ cuối năm 2019, UBND TX. Cai Lậy đã ban hành phương án phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2020; đồng thời, chỉ đạo các xã, phường rà soát hệ thống cống, đập để chủ động sửa chữa, tuyên truyền nhân dân nạo vét kinh mương trữ nước ngọt tưới cây trồng.

Người dân xã Long Khánh đến nhận nước về tưới cây.
Người dân xã Long Khánh đến nhận nước về tưới cây.

HỖ TRỢ NƯỚC NGỌT CỨU CÂY TRỒNG

Song song đó, TX. Cai Lậy đã triển khai phương án vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các loại cây ăn trái khác trên địa bàn. Trên địa bàn thị xã có gần 2.500 ha sầu riêng đang cần nước trên tổng số 6.374 ha vườn cây ăn trái; nhu cầu nước tưới ưu tiên cung cấp cho cây sầu riêng hơn 255.800 m3 và các loại cây ăn trái khác hơn 84.600 m3. Hiện nay, các xã, phường đang tiếp nhận nguồn nước ngọt và phân phối cho người dân.

Vào những ngày cuối tháng 3, tại điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân ở xã Long Khánh, từng đoàn xe cứ nối đuôi nhau chờ nhận nước ngọt miễn phí để chuyển về các vườn cây ăn trái trong xã.

Trong lúc chờ đến lượt mình, chị Nguyễn Thị Bé Tư (ấp Phú Hưng, xã Long Khánh) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 6 công sầu riêng. Nóng ruột khi thấy cây héo, vàng lá, vợ chồng tôi đành phải mua nước ngọt từ các sà lan với giá 110.000 m3, nay được UBND tỉnh cấp nước miễn phí, không riêng gì tôi mà bà con trong xóm ai cũng vui mừng”. Gia đình chị Bé Tư mỗi lần được cấp 7 m3 nước, cứ cách vài ngày là chị đi nhận về tưới. Đến thăm các vườn cây ăn trái ở xã Long Khánh, hầu như nhà nào cũng cải tạo các mương trong vườn và lót bạt ni lông để trữ nước ngọt.

Hiện nay, trên địa bàn xã Long Khánh có 1.230 ha trồng sầu riêng, 70 ha mít, 70 ha bưởi, còn lại là các loại cây trồng khác. Nhiều năm nay, các loại cây trồng này đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn. Tuy nhiên, năm nay tình hình hạn, mặn gay gắt, lại kéo dài có khả năng gây thiệt hại nặng nề và nhà vườn sẽ mất nhiều thời gian hơn để khắc phục lại vườn cây ăn trái.

Bắt đầu từ ngày 14-3-2020, nước ngọt miễn phí do tỉnh hỗ trợ đã về đến xã, người dân rất vui mừng đưa phương tiện đến các điểm lấy nước tập trung chở về tưới cho cây trồng. Gặp những nông dân đi nhận nước miễn phí về tưới cho cây trồng, trong họ đều có chung suy nghĩ: Được Nhà nước cấp nước miễn phí cho nhà vườn như thế này, người dân biết ơn và rất vui mừng.

NỖ LỰC ỨNG PHÓ MẶN XÂM NHẬP

Dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng lãnh đạo các xã thường xuyên túc trực tại điểm cấp nước để điều hành việc lấy nước của người dân được suôn sẻ.

Có mặt tại điểm cấp nước, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh Nguyễn Văn Vốn cho biết: “Ngay khi có chủ trương cấp nước ngọt miễn phí từ UBND tỉnh, chúng tôi liền chuẩn bị các khâu từ khảo sát, chọn vị trí, địa điểm thuận tiện trong việc quản lý và vận chuyển nước của người dân, chuẩn bị điều kiện phương tiện trữ nước, định mức cho người dân…

Tùy vào diện tích, độ tuổi của cây sầu riêng, mít, bưởi, nhà vườn sẽ được phát một tờ phiếu ghi khối lượng nước để bơm tại hồ nước công cộng về tưới. Đến nay, hơn 2/3 hộ dân trong tổng số khoảng 2.000 hộ dân của xã đã được nhận nước”.

Trưởng phòng Kinh tế TX. Cai Lậy Ngô Thanh Sơn cho biết, công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ cây trồng thời điểm này đang được chính quyền cũng như người dân quan tâm và tiến hành khẩn trương. Nhờ chủ động trong ứng phó, đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã thiệt hại do xâm nhập mặn không đáng kể.

UBND xã, phường thường xuyên thông báo nhân dân kiểm tra độ mặn của nước trước khi tưới, tuyệt đối không sử dụng nước nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép của cây trồng; kiểm tra hệ thống cống, bờ bao đảm bảo an toàn để tránh ngập úng do triều cường và ảnh hưởng mặn; hỗ trợ kiểm tra độ mặn của nước tưới khi người dân mang mẫu nước đến (kể cả người dân các xã, phường lân cận) và thông báo cho người dân biết địa điểm hỗ trợ đo độ mặn.

QUANG HUY - HÀ NAM

.
.
.