Thứ Hai, 04/05/2020, 14:28 (GMT+7)
.

Hợp tác xã nông nghiệp: Đổi mới để phát triển

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có vai trò quan trọng, vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Gò Công.                                                                                                      Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Gò Công. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Tiền Giang hiện có 127 HTX nông nghiệp với 39.150 thành viên; trong đó có 22 HTX xếp loại tốt, khá (chiếm 29,7%, tăng 8 HTX so năm 2018), 36 HTX loại trung bình (chiếm 48,7%), 16 HTX loại yếu do kinh doanh lỗ hoặc tạm ngừng hoạt động cơ cấu lại nhân sự (chiếm 21,6 %). Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 320 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 56.782 tổ viên. Đây là những đầu mối quan trọng thực hiện liên kết - tiêu thụ nông sản.

ĐIỂM SÁNG

Thời gian qua, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều HTX làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Các HTX này đã vận động, tổ chức cho các hộ nông dân chuyển ghép ruộng đất, khắc phục được hạn chế về ruộng đất manh mún, hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng giống, vật tư, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương, đầu nậu. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ không những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư.

Để giúp người dân hiểu rõ về HTX kiểu mới, trung bình mỗi năm tỉnh tổ chức khoảng 20 cuộc tuyên truyền về luật, hướng dẫn thành lập mới HTX cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh; khoảng 5 lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng cho cán bộ quản lý HTX.

Để góp phần củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động của các HTX, tỉnh đã hỗ trợ 9 cán bộ trẻ về làm việc cho 9 HTX để hỗ trợ về công tác kế toán, quản lý và hướng dẫn thành viên áp dụng khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho HTX như công trình điện, nước sinh hoạt, trụ sở làm việc, nhà sơ chế; đã triển khai 18 công trình cho 14 HTX.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện các kế hoạch hỗ trợ xây dựng, hình thành sản phẩm OCOP và đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 cho 4 sản phẩm có hồ sơ hoàn chỉnh. Kết quả, có 2 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao.

Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ cho 3 HTX: Bình Tây, Bình Nhì, Mỹ Trinh xây dựng 2 nhà kho chứa lúa, 3 máy sấy, 3 máy gặt đập liên hợp; hỗ trợ cho 3 HTX: Rau an toàn Gò Công, Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa; Thanh long Mỹ Tịnh An xây dựng nhà sơ chế đóng gói và hệ thống thiết bị. Đồng thời, Dự án VnSAT cũng hỗ trợ các HTX trong vùng dự án xây dựng nhà kho sơ chế, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để xây dựng 10 mô hình HTX kiểu mới đến 2020. Bước đầu các HTX này đã phát huy hiệu quả tích cực, là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân; nhiều HTX nông nghiệp đã đổi mới công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

PHÁT HUY VAI TRÒ CẦU NỐI

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển HTX nông nghiệp vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, cần có các giải pháp, bước đi đúng đắn giúp các HTX phát huy tính ưu việt, phù hợp trong xu thế thị trường hiện nay. Đó là tiếp tục tổ chức lại sản xuất, củng cố, nâng chất các HTX, hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp; quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX.

Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020; nâng cao năng lực các HTX thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ban quản trị HTX phải là những người nhiệt huyết; có năng lực, công khai tài chính rõ ràng để các thành viên tin tưởng; làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra sản phẩm.

Các ngành, các cấp tạo điều kiện cho các HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Mặt khác, các HTX cũng phải phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, xây dựng các mô hình điểm áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để nâng cao uy tín, thương hiệu, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

HTX nhỏ thì kết nạp thêm thành viên (tự nguyện) để tạo ra quy mô lớn hơn hoặc các HTX nhỏ liên kết hay hợp nhất lại với quy mô lớn hơn để tạo ra sức mạnh tập thể mới có đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, giúp cho kinh doanh của các HTX hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn…

Ngày nay, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng tăng, với những đòi hỏi chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Do đó, việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, áp dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu mà các HTX phải vươn tới.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG

.
.
.