.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn

Cập nhật: 17:08, 09/05/2020 (GMT+7)

(ABO) Ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí trong Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng GDP quý I-2020 của nước ta đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, xuất siêu đạt 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Lực lượng DN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề.

Các DN phải đối mặt với khó khăn kép: Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động.

Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 3 yêu cầu đối với DN. Một là các DN không được trông chờ, ỷ lại.

Thứ hai, DN phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững.

Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là DN áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển.

Đặc biệt, quan tâm đến DN và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, quan tâm xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN …

M. THÀNH

.
.
.