Thứ Sáu, 29/05/2020, 21:56 (GMT+7)
.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp phải nâng cao được thu nhập cho người dân

 (ABO) Sáng 29-5, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức tiếp và làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Sáng làm Trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với Đoàn, có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh...

đồng chí Nguyễn Thị Sáng
Đồng chí Nguyễn Thị Sáng phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát cùng UBND tỉnh, qua gần 4 năm thực hiện Đề án, dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động của các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và người dân trên địa bàn tỉnh.

Vai trò quản lý nhà nước của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được phát huy rõ trong việc trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và các chính sách liên quan đến ngành Nông nghiệp.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó đã chỉ đạo thực hiện các vùng chuyên canh theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hình thành vùng quy hoạch tập trung các tiểu vùng để trồng lúa, các loại cây ăn trái, rau màu… Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp; công tác chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dần phát huy hiệu quả; khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản được nâng lên… góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh...

đồng chí Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá một số hạn chế của các địa phương trong việc thực hiện Đề án
Đồng chí Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá một số hạn chế của các địa phương trong việc thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn gặp không ít khó khăn, như: Vẫn còn ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa thu hút được những doanh nghiệp có tiềm năng thế mạnh; quy mô về diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng đạt tỷ lệ còn thấp so với mục tiêu; trong Đề án có 5 đề án nhỏ nhưng đến nay nhiều đề án vẫn chưa thực hiện…

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành đã phân tích những khó khăn và đề ra các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Lãnh đạo các ngành tỉnh phát biểu tại buổi tiếp
Lãnh đạo các ngành tỉnh phát biểu, đề ra một số giải pháp thực hiện Đề án trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Sáng đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án của UBND tỉnh, các ngành và các địa phương. Qua đợt giám sát thực tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, Đề án đã đạt kết quả quan trọng, chất lượng cuộc sống người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ. Với những giải pháp mà UBND tỉnh cùng các ngành tỉnh đề ra đã tạo ra một bức tranh sáng hơn cho Đề án.

Song, theo đồng chí Nguyễn Thị Sáng, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo ngành NN&PTNT rà soát những quy định, chính sách, kể cả nghị quyết của HĐND tỉnh nếu không còn phù hợp thì đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi hoặc ban hành nghị quyết mới đảm bảo sát với thực tiễn, tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đạt mục đích đề ra là nâng cao thu nhập cho người dân tỉnh nhà…

HOÀI THU 

.
.
.