Bài 2: Tính toán lại hệ thống thủy lợi
Bài 1: Nỗ lực khôi phục vùng chuyên canh sầu riêng
Hạn, mặn năm 2020 đã khép lại cũng là dịp để nhìn nhận lại thực tế: Dù đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, song trước mức độ gay gắt của xâm nhập mặn, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang bộc lộ những bất cập.
Hệ thống kinh, rạch ở vùng Ngọt hóa Gò Công nhiều nơi bị bồi lắng. |
BẤT CẬP
Thực tế bất cập về hệ thống thủy lợi bộc lộ rõ nhất ở khu vực các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Bởi, hằng năm mỗi khi mùa khô đến, cống Xuân Hòa trở thành “cứu cánh”, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất cho vùng Ngọt hóa Gò Công. Tuy nhiên, tình hình mặn xâm nhập năm nay diễn ra rất gay gắt, từ nhiều hướng, đặc biệt là từ hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) làm phá vỡ chân triều, khiến cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt từ giữa tháng 2-2020 và kéo dài đến cuối tháng 5. Điều này làm cho toàn vùng Ngọt hóa Gò Công bị đứt mạch cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất. Từ đó, nhiều diện tích lúa đông xuân trong vùng bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất hoặc mất trắng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án được thực hiện với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn và nội tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Mặt khác, theo dõi xuyên suốt vùng Ngọt hóa Gò Công trong mùa hạn, mặn vừa qua, chúng tôi nhận thấy hệ thống thủy lợi trong vùng đang bộc lộ bất cập. Dù đã được đầu tư nạo vét thường xuyên nhưng hệ thống kinh sườn, kinh trục bị bồi lắng dẫn đến không thể trữ được nhiều nước ngọt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, qua đợt hạn, mặn năm nay, huyện thấy rằng hệ thống thủy lợi cần phải được khắc phục. Thứ nhất, hệ thống kinh dẫn bị bồi lắng nhiều nên không đủ nước cần được nạo vét. Thứ hai, các trục kinh chính cần phải có hệ thống cống cho các trục ngang để dễ dàng trong điều tiết nước và đặt máy bơm. Điều này sẽ giúp các địa phương tránh tình trạng phải đắp đập tạm để bơm nước, sau khi kết thúc hạn, mặn lại phá vỡ gây tốn kém rất nhiều.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cũng cho rằng, hiện nay hệ thống Ngọt hóa Gò Công bộc lộ nhược điểm rất lớn. Đến thời điểm này, sản xuất 3 vụ của vùng Ngọt hóa Gò Công nhìn chung không còn phù hợp. “Kinh, mương trong vùng bây giờ cạn dần, không còn như 5, 7 năm trước. Do vậy, việc tính toán lại sản xuất cho vùng Ngọt hóa Gò Công tới đây là vấn đề cần phải hết sức quyết liệt, quyết tâm để bà con khỏi gặp khó khăn, thiệt hại và giảm ngân sách chi hằng năm cho việc khắc phục vấn đề này” - đồng chí Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Đối với các huyện phía Tây của tỉnh, năm nay mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ vùng chuyên canh cây ăn trái. Có thể nhận thấy, hệ thống công trình đê bao, cống ở vùng này từ trước đến nay làm nhiệm vụ ngăn lũ là chính nên thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn chưa thật sự đảm bảo. Mặt khác, hệ thống kinh, rạch chằng chịt nên khi mặn xâm nhập vào bên trong sẽ rất khó kiểm soát chặt chẽ.
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng cho rằng, theo dự báo, năm nay mặn chỉ xâm nhập vào khoảng 80 km, đến địa bàn xã Hội Xuân. Tuy nhiên, trên thực tế mặn xâm nhập đến khoảng 110 km. Khi mặn xâm nhập sâu, thời gian ở lại lâu chắc chắn sẽ thẩm thấu vào đất. Có những khu vực, sau khi đóng cống, mặn xâm nhập hơn 1 km. Có những thời điểm, trên hệ thống kinh trục còn hàng trăm ngàn m3 nước nhưng không sử dụng được. Đây là hạn chế của hạ tầng thủy lợi.
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG
Hạn, mặn năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kinh nghiệm từ năm 2016, tỉnh đã rất chủ động trong công tác ứng phó, dù mặn rất gay gắt, nhưng tỉnh đã nỗ lực giảm bớt thiệt hại về sản xuất lúa, cây ăn trái, đặc biệt là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Sau đợt hạn, mặn năm 2016, năm 2020 tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp rà soát đánh giá lại hệ thống thủy lợi của tỉnh, có những công trình trước đây chỉ đảm bảo cho ngăn triều cường, lũ, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn bộc lộ một số bất cập cần phải điều chỉnh, nâng cấp, sửa chữa.
Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn, mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay và những năm tiếp theo, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan xem xét ghi vốn đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 để hỗ trợ tỉnh đầu tư các dự án. Đó là: Dự án Hoàn thiện hệ thống Thủy lợi Gò Công với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 400 tỷ đồng. Dự án dẫn nước ngọt từ phía Tây của tỉnh qua kinh Chợ Gạo nhằm đảm bảo tưới cho gần 44.000 ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 600 ngàn người dân, kinh phí đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự án Đắp đập hai đầu sông Cửa Trung nhằm tạo thành hồ chứa nước với dung tích khoảng 43 triệu m3; kết hợp hình thành tuyến đường giao thông nối liền cù lao phía Bắc và cù lao phía Nam của huyện Tân Phú Đông, với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng. Dự án xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, tạo nguồn trên kinh Nguyễn Tấn Thành nhằm nâng cao đầu nước tưới tự chảy cho diện tích gần 100 ngàn ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Xây dựng các công trình ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864, với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng... |
Qua đợt mặn năm 2020, một kinh nghiệm lớn khác cũng được rút ra cho các huyện, thị phía Tây là mỗi người dân cần phải có hệ thống ao hồ trong mương vườn. Hằng năm, trước khi mùa khô tới phải nạo vét để chủ động trữ nước. Bên cạnh đó, từng địa phương cũng cần phải khảo sát, quy hoạch các nhánh sông, kinh, rạch để tạo hồ trữ nước trong từng khu vực. Nếu làm được những điều này sẽ góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nước ngọt như trong mùa mặn vừa qua.
Để giải bài toán thủy lợi phục vụ sản xuất, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trước mắt để bảo vệ sản xuất, tỉnh sẽ hỗ trợ các địa phương đầu tư nạo vét các tuyến kinh trục, kinh cấp 1 như: Rạch Lớn, Vàm Giồng, Gò Gừa, N8, rạch Vàm Tháp, rạch Long Uông… của vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công; đồng thời, đầu tư hệ thống cống phía bờ Đông - Tây rạch Bảo Định; nghiên cứu đầu tư cống điều tiết trên rạch Bến Chùa (giữa cầu Chợ Bưng và kinh Phủ Chung) để độc lập khu vực phía Đông rạch Bến Chùa và sửa chữa, cải tạo hệ thống, nạo vét rạch Hốc Lựu (đoạn tiếp giáp kinh Chợ Gạo)... của vùng Dự án Bảo Định. Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư gia cố, sửa chữa, nâng cấp các cống để vừa đảm bảo ngăn lũ, triều cường và đảm bảo ngăn mặn ở các huyện, thị phía Tây.
Thực tế cho thấy, hiện vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh được đánh giá là khu vực dễ tổn thương nhất trước hạn, mặn. Khép kín hệ thống ngăn mặn ở khu vực này là mục tiêu tỉnh đang hướng tới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, phía bờ Bắc sông Tiền là vùng trồng cây ăn trái của tỉnh, năm 2016 hạn, mặn đã gây thiệt hại, nông dân vừa khôi phục các vườn cây đến năm 2020 lại tiếp tục thiệt hại. Hiện nay, từ kinh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành) chạy dọc về hướng huyện Cái Bè, tỉnh còn 6 cửa kinh, rạch tiếp giáp với sông Tiền chưa được đầu tư khép kín. Nếu khép kín được các cửa này sẽ bảo vệ được vùng sản xuất cây ăn trái của tỉnh và nguồn nước sinh hoạt cho Tiền Giang và Long An.
Do đó, để bảo vệ sản xuất cho vùng cây ăn trái các huyện, thị phía Tây, trong những năm tới, tỉnh kiến nghị Bộ
NN-PTNT đầu tư các công trình ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 874 nhằm kiểm soát lũ, ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ cho đầu tư cống điều tiết trên sông Hàm Luông vừa đáp ứng sản xuất cho tỉnh Bến Tre và ngăn mặn xâm nhập qua tỉnh Tiền Giang…
ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH
(còn tiếp)