Bài 3: Chuyển đổi nhưng phải hiệu quả
Bài 1: Nỗ lực khôi phục vùng chuyên canh sầu riêng
Bài 2: Tính toán lại hệ thống thủy lợi
Mùa hạn, mặn năm 2020 ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau mùa hạn, mặn năm nay, ngành Nông nghiệp cũng đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với liên kết tiêu thụ, thích ứng biến đổi khí hậu.
Nông dân xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) chuyển từ trồng lúa sang cây thanh long. |
Trước những chuyển biến khó lường, phức tạp của khí hậu, thời tiết, những năm qua, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
CHỦ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI
Đối với các huyện, thị phía Đông, sau đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016, Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đã được triển khai nhằm đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... bước đầu đã nâng cao mức thu nhập cho nông dân, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tuy nhiên, nhìn lại mùa hạn, mặn vừa qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn bị ảnh hưởng khá lớn. Tại các huyện, thị phía Đông, hàng ngàn ha lúa đông xuân đã bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Phần lớn các diện tích thiệt hại do người dân gieo sạ sau lịch thời vụ dẫn đến thiếu nước tưới. Mặt khác, hạn, mặn gay gắt dẫn đến cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt là nguyên nhân dẫn đến nhiều trà lúa đông xuân bị thiệt hại. Từ mùa hạn, mặn năm 2020, nông dân đã “thấm đòn” trước tác động của biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho rằng, người dân đã “thấm đòn” đối với ảnh hưởng hạn, mặn, do đó huyện sẽ thành công trong việc cắt 1 vụ lúa, mạnh dạn chuyển sang 2 vụ lúa ăn chắc. Địa phương đang điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, cắt những diện tích trồng lúa gặp khó khăn về nước tưới để chuyển sang trồng cây thanh long. Hiện diện tích đất lúa của huyện khoảng 8.900 ha, tới đây dự kiến sẽ điều chỉnh giảm còn khoảng dưới 7.000 ha, diện tích còn lại sẽ mạnh dạn chuyển sang các loại cây trồng khác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một trong những chủ trương của ngành Nông nghiệp là thay đổi cơ cấu các nhóm sản phẩm, trong đó cây ăn trái được xác định là có lợi thế. Tới đây, các địa phương cần tăng diện tích cây ăn trái. Tuy nhiên, để làm được điều này có 2 vấn đề. Trước hết, với những diện tích cây ăn trái hiện có (360 ngàn ha) của 13 tỉnh, thành, phải rà soát lại để có phương thức canh tác thích ứng. Việc chuyển đổi một phần 1,8 triệu ha đất lúa hiện có sang các cây trồng khác, trong đó có cây ăn trái phải tính toán kỹ. “Bản thân những diện tích mới chuyển đổi sang cây ăn trái, bên cạnh tính toán đầu tư thiết chế hạ tầng, chúng ta phải tính toán đến việc liên kết tổ chức sản xuất để làm sao không xảy ra tình trạng sản xuất thêm lại dư thừa, được mùa mất giá, gắn với công tác chế biến để đảm bảo hiệu quả bền vững trong việc chuyển đổi. Đây mới là mục tiêu cuối cùng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. |
Các xã cuối nguồn của huyện Gò Công Đông thường chịu tác động lớn khi hạn, mặn xảy ra, trong đó trọng điểm vẫn là sản xuất lúa. Chính vì vậy, điều chỉnh sản xuất lúa khu vực này là bài toán cần có lời giải.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông) Nguyễn Thanh Bình, toàn xã có hơn 700 ha đất sản xuất lúa. Năm 2020, theo chỉ đạo của UBND huyện Gò Công Đông, xã đang tiến hành tuyên truyền, vận động người dân sản xuất 2 vụ trong năm. Qua tuyên truyền, một số người dân đã đồng thuận với chủ trương này của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, qua đợt hạn, mặn này, người dân có thể sẽ đồng thuận và hưởng ứng cao.
Trên bình diện tổng thể, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, căn cứ vào tình hình thực tế và ảnh hưởng của hạn, mặn năm 2020, các huyện phía Đông sẽ chỉ gieo sạ 2 vụ lúa, cắt 1 vụ lúa thu đông để đảm bảo an toàn cho vụ lúa đông xuân năm 2020 - 2021. Việc cắt vụ đã được ngành Nông nghiệp triển khai xuống các địa phương, nhìn chung đa phần người dân đã đồng tình hưởng ứng.
PHẢI GẮN VỚI TIÊU THỤ
Chuyển đổi sản xuất cần phải tính toán một cách quyết liệt nhằm thích ứng với biến đổi của thời tiết, khí hậu. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, qua đợt hạn, mặn vừa qua, đối với vùng Ngọt hóa Gò Công, phải cương quyết thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương xem xét cụ thể từng địa bàn để có định hướng chuyển đổi phù hợp; cần thiết có thể điều chỉnh đề án sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ tránh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; việc chuyển đổi không làm giảm thu nhập của nông dân. Việc chuyển đổi phải hiệu quả hơn đối với cả vật nuôi lẫn cây trồng.
Đối với việc phát triển cây ăn trái vùng phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc vùng phía Tây của tỉnh, trước đây trong quy hoạch, khu vực này nằm trong vùng kiểm soát lũ nên không khuyến khích phát triển cây ăn trái, chỉ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, lũ hiện không còn như những năm trước, cộng thêm việc xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã trở thành một tuyến đê vững chắc nên tỉnh sẽ tính toán lại sản xuất đối với vùng này.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tính toán điều chỉnh quy hoạch vùng này, để xác định nơi nào có thể phát triển cây ăn trái nhằm đầu tư hạ tầng, không để người dân “tự bơi”. Mặt khác, để chuyển đổi mang tính bền vững, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, kêu gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến đầu tư vào tỉnh.
“Khi chuyển đổi phải có những doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt người dân, thu mua, chế biến các mặt hàng (loại 2, 3) không xuất khẩu được. Đây là những đầu mối liên kết với người dân thông qua những doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, từ đó định hướng, hướng dẫn sản xuất cho người dân để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và chế biến” - đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.
Trong bức tranh chung liên quan đến sản xuất nông nghiệp của khu vực và cả nước, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tới đây tác động của biến đổi khí hậu, các yếu tố từ thượng nguồn, nhiều yếu tố cực đoan sẽ còn diễn ra hơn năm 2020. Do đó, chúng ta phải luôn ý thức, chủ động thích ứng, coi đây là điều hiển nhiên, bắt buộc phải thực hiện. Chính vì vậy, từng tỉnh, từng vùng và người dân cần phải có giải pháp để thích ứng, có như vậy mới biến thách thức thành cơ hội mới.
“Nhóm sản phẩm mới ngành Nông nghiệp đưa ra là thủy sản, trái cây, tổ chức lại sản xuất lúa - gạo theo hướng thích ứng và chất lượng. Rõ ràng, chúng ta không chỉ giảm thiểu được thiệt hại, mà còn nâng được giá trị, thay đổi được trục sản xuất, cơ cấu lại theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
A.PHƯƠNG - M.THÀNH
(còn tiếp)