.

Nghiên cứu, định dạng lại các yếu tố ảnh hưởng đến hạn, mặn

Cập nhật: 14:58, 20/06/2020 (GMT+7)

(ABO) Ngày 20-6, tại tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2 - 2,5 lần so với mùa khô 2015 - 2016.

Xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL. Phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l là 1.688.600 ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, diện tích lúa đã bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 41.900 ha/1.541.000 ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng, chiếm tỷ lệ 2,7%; diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng khoảng 6.650 ha; diện tích rau màu bị ảnh hưởng khoảng 1.241 ha.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 8.715,5 ha.

Theo thống kê từ các địa phương, mức độ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất  tổng cộng khoảng 96.000 hộ.

Nhìn chung, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015 - 2016, nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ (tương đương 54%) so với năm 2015 - 2016.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm nay, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống hạn, mặn, giảm thiểu thiệt hại đối với diện tích lúa đông xuân, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu số hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong cục diện gay gắt, khắc nghiệt hơn những năm trước.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan nghiên cứu của Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, định dạng lại các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình hạn, mặn; có đánh giá yếu tố thượng nguồn, từ phía biển tác động đến hạn hán.

13 tỉnh căn cứ quá trình chỉ đạo của địa phương và báo cáo của Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết sâu sát nhất công tác phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn để công tác ứng phó chủ động, hiệu quả, thích ứng hơn trong những năm tiếp theo…

M. THÀNH

.
.
.