Thứ Hai, 01/06/2020, 15:00 (GMT+7)
.

Trợ lực cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển

Các chính sách hỗ trợ hạ tầng cho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được tỉnh triển khai thực hiện, đã từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.

Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn như: Thị trường đầu ra; thiếu trụ sở làm việc, nhà sơ chế; tiếp cận nguồn vốn… Để tháo gỡ các khó khăn này, trên cơ sở các chính sách của Trung ương, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX giai đoạn 2019 - 2020. Cụ thể, nhiều HTX nông nghiệp đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư trụ sở làm việc, nhà sơ chế… phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

HTX Thanh long Mỹ Tịnh An được hỗ trợ đầu tư nhà kho.
HTX Thanh long Mỹ Tịnh An được hỗ trợ đầu tư nhà kho.

GIẢI “BÀI TOÁN” CƠ SỞ HẠ TẦNG

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Văn Tiếu, năm 2019 tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà kho cho HTX Thanh long Mỹ Tịnh An với diện tích 1.000 m2, kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 1,8 tỷ đồng. Hiện HTX đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đang vào giai đoạn lắp đặt một số thiết bị kho lạnh, đưa vào vận hành hệ thống rửa trái thanh long.

Năm 2019, huyện Gò Công Tây có 3 HTX nông nghiệp được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới, HTX Rau an toàn Hòa Thạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân), HTX đã hoàn thành việc xây dựng nhà sơ chế với diện tích hơn 320 m2. Nhà sơ chế được xây dựng với kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 960 triệu đồng.

Theo Sở NN&PTNT, năm 2019 có 17/18 công trình của 13/14 HTX đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Năm 2020, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 24, trong đó phê duyệt danh mục đầu tư cho 18 công trình của 15 HTX nông nghiệp và 1 công trình chuyển tiếp của năm 2019 với tổng vốn đầu tư 15,159 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho HTX nông nghiệp.

Sở NN&PTNT đã triển khai đến UBND cấp huyện để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp năm 2020. Đến cuối tháng 4-2020, có 3 công trình đạt tiến độ thi công 90% - 100%, 7 công trình đạt tiến độ thi công từ 50% - 60%, 5 công trình thi công đạt tiến độ 20% - 40%.

Vị trí xây dựng nhà sơ chế nằm trên đất công, được địa phương miễn tiền thuê đất. Ngoài việc có được cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, việc đầu tư nhà sơ chế còn giúp cho HTX đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. “Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nhà sơ chế là quá tốt, còn lại những khó khăn khác như: Vốn, xây dựng vùng trồng tập trung…, HTX sẽ tự tháo gỡ dần dần” - ông Quang cho biết thêm.

Tương tự, trước đây hoạt động của HTX Rau an toàn Thạnh Hưng (xã Thạnh Trị) gặp khó khăn do nhà sơ chế còn hẹp. Khách hàng ngày càng nhiều nên HTX cần mở rộng nhà sơ chế, tuyển thêm lao động, kêu gọi thêm nông dân trồng rau. Trước tình hình trên, UBND huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ HTX thuê 1.000 m2 đất không thu tiền. Trên cơ sở 1.000 m2 đất được thuê, HTX được hỗ trợ đầu tư nhà sơ chế hơn 1,1 tỷ đồng, với 80% vốn từ ngân sách nhà nước, 20% vốn của HTX. Việc được hỗ trợ kinh phí đầu tư nhà sơ chế đã giúp rất nhiều cho HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với các mô hình liên kết sản xuất, cái nào đã có thì cố gắng phát huy. Ít nhất trong năm nay, mỗi huyện phải có từ 1 - 2 mô hình mới để xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, đến thời điểm này, 3 HTX ở huyện được hỗ trợ đầu tư trụ sở, khu sản xuất, nhà sơ chế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng rất hiệu quả. Năm 2020, huyện có HTX Nông nghiệp - Dịch vụ nông thôn Bình Trung được tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư hệ thống nước sạch sinh hoạt nông thôn. Đến nay, việc đầu tư cơ bản hoàn thành khoảng 80%. Huyện đang tiếp tục nghiên cứu để đôn đốc, kiểm tra cơ sở vật chất của các HTX, nếu không có nguồn hỗ trợ trên thì rất khó để HTX phát triển ổn định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc hỗ trợ kết cấu hạ tầng đã giúp HTX nâng cao được năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho HTX. Một số HTX đã phát huy tốt công trình hỗ trợ, giúp mở rộng quy mô sản xuất và tăng thu nhập cho thành viên.

XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH LIÊN KẾT

Song song với việc hỗ trợ kết cấu hạ tầng, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, trọng tâm là các HTX nhằm tìm đầu ra, ổn định sản xuất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần đổi mới phương thức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ để hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, tránh để nông dân gặp phải điệp khúc “trúng mùa mất giá” như trước nay. Thông qua việc liên kết mới có điều kiện để “nuôi” các HTX sống, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí sản xuất trong xây dựng NTM.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Đối với các mô hình liên kết sản xuất, cái nào đã có thì cố gắng phát huy. Ít nhất trong năm nay, mỗi huyện phải có từ 1 - 2 mô hình mới để xây dựng. Trên cơ sở đó, các địa phương thuê đơn vị tư vấn, xây dựng hồ sơ theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND tỉnh. Việc chọn mô hình phải là điểm, để các HTX, mô hình khác học tập theo. Quan trọng là chọn doanh nghiệp, HTX, lĩnh vực liên kết nào để hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Ngoài ra, các ngành và địa phương cần rà soát lại tất cả các HTX để có kế hoạch hỗ trợ dựa trên các chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, nhân lực của Trung ương và tỉnh”.

M.THÀNH

.
.
Liên kết hữu ích
.