Thứ Năm, 02/07/2020, 20:53 (GMT+7)
.

Gấp rút thu phí trở lại đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại tiếp tục gửi văn bản thúc Chính phủ thông qua Đề án thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh -Trung Lương, đưa khoản phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí do Nhà nước đầu tư vào luật, để tránh được nhiều áp lực ngân sách và tăng hiệu quả sử dụng tuyến đường.

Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện xuống cấp nhiều, giảm tốc độ, tăng lưu lượng vì không thu phí Ảnh: Trung Chánh
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện xuống cấp nhiều, giảm tốc độ, tăng lưu lượng vì không thu phí Ảnh: Trung Chánh

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất tái thu phí trở lại dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sau 2 năm dừng thu phí. Việc tái thu phí dự án cao tốc này phải trải qua nhiều lần đệ trình vì các lý do khác nhau. Từ khi đi vào khai thác, vận hành (2011-2018), tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách đã bán quyền thu phí 4 năm (2014-2018) cho Công ty TNHH Yên Khánh và thu được 2.113 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, ngân sách còn thu được gần 2.000 tỉ đồng để tái đầu tư. Tuy nhiên, với tổng đầu tư dự án 9884 tỷ đồng thì dự án vẫn cần 6.000 tỷ đồng nữa để hoàn vốn (vay từ nguồn trái phiếu xây dựng công trình).

Sau khi hết hợp đồng thu phí, dự án dỡ trạm và chưa có kế hoạch thu phí trở lại, dẫn đến việc các xe container, xe tải hạng nặng đã bỏ Quốc lộ 1 chuyển qua đi đường cao tốc (miễn phí) và từ đó gây áp lực rất lớn lên con đường này. Từ khi bỏ trạm, ước tính có khoảng 51 ngàn lượt xe mỗi ngày đêm đi trên đường, làm đường xuống cấp và giảm tốc độ tối đa cho phép từ 120 km/giờ xuống còn 60-80km/giờ.

Ngoài việc không thu phí, ngân sách phải bỏ ra thêm 134 tỷ đồng để bảo dưỡng, quản lý... trong khi việc quản lý tuyến đường khó khăn hơn trước.

Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa đưa nội dung thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào danh mục thuế và lệ phí nên các bộ chưa có cơ sở để đề xuất thu . Người dân thì hiện đã đóng phí sử dụng đường bộ cho ngân sách. Trong khi đó, đợi Quốc hội sửa luật lại rất lâu.

Nay, trước áp lực thực tế cần phải thu sớm trở lại, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án  thu phí. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sớm thì việc thu phí sẽ nhanh chóng được áp dụng trở lại, với mức thu bình quân 1.000 đồng/km/CPU (tương đương mức thu cuối năm 2018). Dự kiến mỗi năm sẽ bổ sung vào ngân sách khoảng 600 tỷ đồng.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.