Năng lượng là ngành kinh tế quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển
(ABO) Sáng 22-7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020; triển khai Nghị quyết 55 ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng chủ trì hội nghị. Chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang là đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Võ Văn Bình chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang. |
Phiên toàn thể tại Diễn đàn tập trung vào triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong chặng đường phát triển của đất nước, năng lượng được xem là thành phần quan trọng, không thể thiếu, quyết định quá trình tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy mà thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, đã kịp thời đề ra nhiều chính sách phát triển năng lượng. Thực tế cho thấy, trong suốt nhiều năm qua, lĩnh vực năng lượng cũng đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, ghi nhận được rất nhiều kết quả khả quan.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năng lượng hiện nay đã trở thành ngành kinh tế quan trọng. Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ đây đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần 7 - 10 tỷ USD cho các dự án mới, đầu tư mạnh cho nguồn điện và truyền tải...
Còn tại tỉnh Tiền Giang, tỉnh cũng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, từ nay đến năm 2030: Công suất điện đạt khoảng 1.493 MW, sản lượng điện 9.116 triệu kWh; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7%; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 15% - 20% trong tổng cung năng lượng sơ cấp; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15%.
Tầm nhìn đến năm 2045 là sẽ bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững; xây dựng hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ, năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại.
ĐỖ PHI