.

Sáu giải pháp liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL

Cập nhật: 22:05, 04/07/2020 (GMT+7)

Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ra mắt hôm nay, 4-7, tại TP. Cần Thơ, với mong muốn “thành đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương” với 6 giải pháp riêng.

Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ra mắt tại Cần Thơ ngày 4-7-2020. Ảnh: Huỳnh Kim
Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ra mắt tại Cần Thơ ngày 4-7-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL  gồm đại diện lãnh đạo UBND các địa phương này, do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, làm chủ tịch. Đây là bước tiếp theo sau khi 14 tỉnh, thành này ký kết Thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch tại Bạc Liêu vào tháng 12-2019.

“Liên kết trong hợp tác phát triển là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. TP. Hồ Chí Minh luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL. Do vậy, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL thời gian tới sẽ trở thành đòn bẫy cho phát triển kinh tế của vùng và mỗi địa phương” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong 6 tháng qua, có 4 tháng ngành du lịch “gần như tê liệt vì đại dịch Covid-19”. TP. Hồ Chí Minh chỉ đón 9,4 triệu lượt du khách (giảm 54,7% so cùng kỳ năm 2019), doanh thu hơn 34.000 tỉ đồng (giảm 49,6%). ĐBSCL đón gần 13 triệu lượt khách, giảm 51 %, doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng, giảm 53%. Về lữ hành, có 1.300 doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và hơn 250 doanh nghiệp của ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải chuyển nghề hoặc đóng cửa.

Tuy vậy, theo ông Phong, 6 tháng qua, 14 tỉnh, thành này đã kết nối thông xử lý Covid-19, ra mắt trang web kích cầu du lịch, thực hiện có hiệu quả ba chương trình kích cầu là Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biển, Non nước hữu tình để có được kết quả như trên.

Riêng hai tháng gần đây, sau giãn cách Covid-19, đã có trên 50.000 lượt khách đến với ĐBSCL, tăng 14% so với cùng kỳ. Các hoạt động mở tour mới và đào tạo nhân lực du lịch đã được quan tâm trở lại.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, mặc dù chi tiêu của du khách nước ngoài đến TP. Hồ Chí Minh gấp 1,8 lần khách nội địa nhưng doanh thu từ khách nội địa chiếm 60% doanh thu từ khách du lịch của TP. Hồ Chí Minh. “Do đó, việc phát  triển thị trường du lịch nội địa hiện nay là cơ hội để giảm tác động của đại dịch Covid-19 đối với du lịch”, ông Phong nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh:Huỳnh Kim
Quang cảnh Hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh:Huỳnh Kim

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, với lợi thế thỏa thuận liên kết du lịch này, cần thúc đẩy mạnh hơn dòng khách hai chiều. “Nếu 10% dân số TP. Hồ Chí Minh (khoảng một triệu người) về du lịch tại ĐBSCL và 10% dân số ĐBSCL (khoảng hai triệu người) du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, xóa dần tâm lý e ngại đi du lịch vì sợ dịch của người dân”, ông Phong nói.

“Chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trong thời gian tới, thương hiệu du lịch vùng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL sẽ được du khách ưa thích hơn và lựa chọn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á; phấn đấu đưa tỷ trọng ngành du lịch đóng góp từ 11-17% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của mỗi địa phương”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Sáu giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm do Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và ĐBSCL đồng thuận thực hiện:

- Tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, trong đó, hỗ trợ kết nối chặt hơn giữa các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và chính quyền.

- Xây dựng thương hiệu du lịch vùng TPHCM và ĐBSCL; đến cuối năm nay, bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch của vùng.

- Chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, trong đó TPHCM có vai trò đầu mối nhận khách đến và đưa về các địa phương ĐBSCL.

- Tăng cường hoạt động hỗ trợ, kết nối từ phía chính quyền nhằm tạo cầu nối thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển du lịch tại các địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch, cơ sơ kinh doanh du lịch đánh giá lại các sản phẩm du lịch liên kết vùng để tháo gỡ vướng mắc về chính sách.

- Vai trò của các doanh nghiệp du lịch là then chốt trong liên kết. Riêng TPHCM, các doanh nghiệp đầu tàu như Saigon Tourist, Vietravel, Bến Thành và các doanh nghiệp khác cần xúc tiến rộng hơn các sản phẩm liên kết và đầu tư nâng chất điểm đến trong các tour.

-  Trong tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới còn phức tạp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng để trao đổi, chia sẻ nhanh chóng và kịp thời mọi tình huống, bảo đảm an toàn tối đa cho du khách và người làm du lịch.


(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.