Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng COVID-19
Trước những tác động tiêu cực, sự tàn và hết sức nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, ý kiến của nhiều chuyên gia khẳng định, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và các giải pháp sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay đối với doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt và lâu dài.
ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Diễn đàn được thực hiện dưới sự điều phối của PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự diễn đàn có các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam cho rằng, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là mối quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch COVID – 19, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách vừa trước mắt, vừa lâu dài cả ở tầm quốc gia và cả ở tầm doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn có sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
“Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi cởi mở, thẳng thắn, gợi mở những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt lên những thách thức của đại dịch, hướng đến những thành công mà các doanh nghiệp đã ra sức phấn đấu và Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo”, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam Phạm Việt Dũng bày tỏ.
Thảo luận tại diễn đàn, ý kiến của các đại biểu nhận định, đại dịch COVID – 19 đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, nặng nề và đặt ra những vấn đề chưa có tiền lệ cho thế giới nói chung và cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và chỉ đạo nhiều quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, thiệt hại do đại dịch COVID – 19 gây ra, đặc biệt là các chủ trương, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa ngăn chặn, chống dịch thành công, vừa tiếp tục ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế đất nước.
“Có thể khẳng định, Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành là rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nước ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập được môi trường ổn định cho các ngành phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phát biểu.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn những khó khăn, thách thức đe dọa sự sống còn của không ít doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chính sách mà còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các chính các doanh nghiệp để nỗ lực tìm ra các giải pháp hiệu quả, nhằm chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và để biến nguy thành an, biến các thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển mới.
TS. Võ Trí Thành đề xuất, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiện quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra tương đối đồng bộ và toàn diện, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp; xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu trước các biến động kinh tế của các doanh nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gắn liền với tăng cường tính minh bạch hóa thị trường;…
Sau khi đánh giá về những tác động, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp sau đại dịch COVID – 19, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã tập trung phân tích những xu hướng đầu tư-kinh doanh mới, trong đó nhấn mạnh, phân tích cụ thể về các xu hướng lớn như: việc đầu tư vào những lĩnh vực an toàn; việc cắt giảm chi phí đầu tư và nhân sự; tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đầu tư; tận dụng cơ hội từ chuyển dịch dòng vốn đầu tư; việc áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc; việc định hình lại cách thức cung cấp sản phẩn, dịch vụ của doanh nghiệp;…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia đã tập trung mạnh vào phân tích các giải pháp giúp gia tăng doanh số đối với doanh nghiệp; việc duy trì việc làm ổn định và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trước các tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra; phát triển các kênh phân phối và mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp; quản trị rủi ro, nắm bắt cơ hội thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì lợi nhuận bền vững; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp;…
(Theo chinhphu.vn)
.