Chủ Nhật, 02/08/2020, 09:36 (GMT+7)
.
BÀ NGUYỄN THỊ ÁNH:

Cựu chiến binh, doanh nhân thành đạt

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ánh (thường gọi bà Tư Ánh), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) từng nằm tốp 10 trong số 90 nữ doanh nhân của cả nước được vinh danh "Nữ doanh nhân trí thức thành đạt" nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10-2013 . Bà còn là nữ doanh nhân thành đạt, gây ấn tượng mạnh trong giới kinh doanh thủy, hải sản miền Tây.

Bà Tư Ánh, nữ cựu chiến binh doanh nhân thành đạt.

TỪ NỮ XÃ ĐỘI TRƯỞNG NGÀY ẤY...

Tại Văn phòng của Sotico khang trang, thoáng mát, tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, bà Tư Ánh, cựu chiến binh doanh nhân đã 77 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng và hơn 30 năm làm kinh doanh trên thương trường cố gắng sắp xếp công việc để tiếp chúng tôi.

Là người con của quê hương xã Phú Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, bà Tư Ánh đã dành trọn những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhớ về những năm tháng hào hùng ấy, bà Tư Ánh kể: “Hồi đó (năm 1964), tôi là một trong những đảng viên trẻ của Mỹ Tho (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang), là nữ Xã đội trưởng trẻ và hiếm có lúc bấy giờ”.

Quá trình chiến đấu, bà Tư Ánh đã lập nhiều thành tích xuất sắc tại vùng 20 tháng 7 (thuộc 6 xã thuộc huyện Cai Lậy Nam cũ). Sau 1 năm được kết nạp Đảng, bà được cấp trên dự kiến rút về làm công tác đoàn thể nhưng bà kiên quyết không rời khỏi chiến trường chiến đấu. Đồng thời, do lúc bấy giờ người anh thứ hai của bà vừa mới hy sinh nên bà muốn ở gần nhà vừa chiến đấu, vừa chăm sóc mẹ già.

Tuy nhiên, sau đó, bà Tư Ánh cũng được cấp trên điều về làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Quý, rồi Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cai Lậy Nam. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, bà được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tiền Giang. Năm1986, bà được điều chuyển qua làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên hợp thủy sản Tiền Giang. Năm 1994, bà nghỉ hưu.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng bà Tư Ánh luôn trăn trở với cái nghèo của quê hương và gia đình mình. Từ đây, số phận đã đưa đẩy bà đến và gắn bó với ngành Thủy sản tỉnh nhà.

ĐẾN NỮ DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT

“Con nghêu làm đầu sự nghiệp” - câu đầu tiên bà Tư Ánh nói với chúng tôi về kinh doanh. Bà kể: “Tình cờ trong một chuyến đi Nhật, người ta mời tôi món bánh pizza đặc sản nhập khẩu từ Ý. Khi ăn tôi mới phát hiện ra nó đặc biệt ở chỗ là nhân bánh làm từ nghêu. Có lẽ vì vậy mà nó đắt hơn nhiều lần so với các loại bánh pizza nhân thịt khác”.

Nhớ lại… thời ấy ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang chuyến khai thác nào về bến cũng chất đầy ắp con nghêu mà ngư dân vẫn đói, vẫn khó khăn trăm bề, nhiều lao động lại thiếu việc làm. Nỗi bức xúc về những nghịch lý ấy đã khiến bà Tư Ánh quyết tâm đưa con nghêu Tiền Giang đi xuất khẩu.

Từ ý tưởng đó, lúc đầu cũng có nhiều bạn bè động viên khích lệ, nhưng bà Tư Ánh nghĩ: “Mình làm kinh tế mà mất Đảng, thì tốt nhất không nên làm”, vì lúc đó Đảng chưa cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đến khi có Quy định 15 của Trung ương Đảng cho phép “đảng viên làm kinh tế tư nhân” thì bà Tư Ánh mới chính thức thành lập Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền.

Khởi đầu từ mấy cái chảo luộc nghêu đơn sơ, với hai bàn tay trắng và số vốn liếng ít ỏi, công ty đã từng bước lớn mạnh dần từng ngày. Ngoài sản phẩm chủ lực là nghêu, công ty còn xuất khẩu các mặt hàng hải sản hỗn hợp (seafood mix), mực, tôm, cá cuộn, cá cắt thanh… Hiện nay, mỗi tháng, Sotico xuất khẩu từ 200 - 300 tấn hàng các loại, doanh thu khoảng 700.000 USD.

Năm 2008, bà Tư Ánh quyết định thành lập thêm một công ty chuyên nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra với công suất 70 tấn nguyên liệu mỗi ngày, sử dụng 700 công nhân, lấy tên là Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân. Nhà máy Ngọc Xuân được trang bị công nghệ và máy móc chế biến hiện đại, được chứng nhận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như HACCP, DL 487, ISO, BRC, IFS...

Để chủ động đầu vào nguyên liệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty sớm đầu tư mua đất và quy hoạch đào ao nuôi cá tại 2 cồn Phú Túc và Phú Đức ( tỉnh Bến Tre) với tổng diện tích 40 ha. Vùng nuôi của Ngọc Xuân đã được cấp chứng nhận GlobalGAP cho khoảng 10 ha diện tích nuôi. Tính đến nay, vùng nuôi cá tra của Ngọc Xuân đã đi vào hoạt động được trên 3 năm, mỗi năm cho thu hoạch 18.000 tấn cá nguyên liệu, trong đó có tới 90% là cá thịt trắng, đáp ứng 80% - 90% nhu cầu của nhà máy chế biến.

Ban đầu, Sotico là doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô nhỏ, chỉ có khoảng 300 lao động, nhưng qua hơn 20 năm vẫn đứng vững, thậm chí còn phát triển thêm một nhánh mới là Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân, mà bà Tư Ánh ví như “công ty con” của Sông Tiền, chủ yếu là nhờ tạo dựng được uy tín với khách hàng.

Khi hỏi trong kinh doanh tập trung vấn đề gì nhất? Bà Tư Ánh liền cho biết: “Luôn ưu tiên chăm sóc hàng hóa, coi trọng chất lượng là mục tiêu số một của nhà máy. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất ổn định, công ty rất chú trọng chữ "tín" với đối tác cung cấp đầu vào; từng bộ phận được giao trách nhiệm cụ thể. Vai trò của đội ngũ kỹ thuật, kiếm tra chất lượng được đề cao, quản lý chặt chẽ từ đầu vào con giống, thức ăn cho đến nguyên liệu và thành phẩm chế biến”.

Ngoài việc coi trọng chất lượng sản phẩm, công ty cũng chú trọng đến chất lượng môi trường. Ngay từ khi xây dựng nhà máy, được Dự án SEAQIP và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) giới thiệu, công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) để xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong nhà máy chế biến thủy sản. Đến nay, việc quản lý và phát huy hệ thống nhà máy này vẫn duy trì tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh cho môi trường trong và ngoài nhà máy.

Gắn bó với ngành Thủy sản gần 30 năm nhưng mới chỉ kinh doanh với con cá tra hơn 10 năm qua. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm về con cá nổi danh này, nhưng bà Tư Ánh cũng có nhiều trăn trở việc xuất khẩu cá tra hiện nay. Theo bà Tư Ánh, hoạt động nuôi cá tra hiện đã và đang phát triển rất rộng, quá ồ ạt; các nhà máy chế biến cũng mọc lên quá nhiều, xuất khẩu cá tra có rất nhiều đầu mối, trên thị trường cung vượt quá cầu, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cạnh tranh nhau về giá, khiến giá cá liên tục giảm. Trong khi đó, nhiều đơn vị sản xuất chưa quản lý tốt chất lượng sản phẩm, kéo theo hệ lụy là uy tín cá tra xuất khẩu Việt Nam ngày càng đi xuống.

Cũng theo bà Tư Ánh, cá tra chế biến từ nguyên liệu nuôi tại các vùng nước ao tù có giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu của các vùng nuôi đạt tiêu chuẩn. Do đó, họ có thể hạ giá bán sản phẩm tới 30 - 40 cent/kg mà vẫn có lời, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn uy tín, đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, tất yếu những sản phẩm giá rẻ sẽ có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng cao hơn.

Còn nếu nói chất lượng để giữ chân khách hàng, bà Tư Ánh tâm huyết: “Nguyên liệu cá từ các vùng nuôi không đạt tiêu chuẩn sẽ cho ra các sản phẩm kém chất lượng, không chỉ là vấn đề hình ảnh của một nhà máy, mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của cả một ngành hàng, cả một đất nước.

Nuôi và chế biến cá tra vào danh sách các ngành sản xuất có điều kiện. Các nhà máy chế biến xuất khẩu cần xây dựng những vùng nuôi riêng đáp ứng đủ tiêu chuẩn hoặc phải liên kết chặt chẽ với người nuôi để đảm bảo chất lượng cho cá nguyên liệu…”.

Thiết nghĩ, phát triển ngành cá tra cần có định hướng và quy hoạch cụ thể, thống nhất từ cấp quản lý nhà nước xuống đến các cấp chính quyền ấp, xã. Mặt khác, phải đổi mới phương thức tổ chức, giải quyết cung - cầu ngành cá tra Việt Nam. Trong khi, việc nuôi và chế biến cá tra để xuất khẩu chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn, chưa giải quyết cân đối giữa cung và cầu… thì Sotico của bà Tư Ánh vẫn tìm được hướng đi cho riêng mình.

Có thể nói Sotico là một mô hình xuất khẩu thủy sản điển hình về việc kết hợp sản xuất giữa con nghêu -  cá tra và chất lượng sản phẩm với nhạy bén trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, đem lại lợi nhuận kinh tế cao là điều tất yếu.

Trong câu chuyện với chúng tôi, dường như lúc nào bà Tư Ánh cũng dành tình cảm cho quê hương của mình, vùng đất nơi bà gắn bó từ thuở ấu thơ. Còn nói về việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, công tác từ thiện - xã hội, bà Tư Ánh cho biết, trong 4 năm (2016 - 2020), bà đã tự nguyện đóng góp vào các nguồn quỹ của địa phương khá lớn, gồm: Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Chất độc da cam, Quỹ Khuyến học; đóng góp xây dựng nông thôn mới, nhà tình nghĩa (42 căn) và các quỹ khác trên 5 tỷ đồng. Bà Tư Ánh luôn quan niệm: "Tiền bạc, vật chất tất cả rồi sẽ qua đi, những tình cảm yêu thương thì ở lại, đó là chân lý của người biết quý trọng cuộc sống, biết quý trọng tình người với nhau…”.

                                                                  LÊ HỒNG LÂM

.
.
.