Đoàn công tác Trung ương làm việc về phòng, chống thiên tai tại Tiền Giang
(ABO) Sáng 18-8, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tiếp và làm việc với Đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2020. Đoàn do Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn. Đồng chí Trần Hồng Thái và đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, với tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp công trình phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư 4.090 tỷ đồng cho công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác PCTT; ngành Giao thông đầu tư, nâng cấp các công trình giao thông phục vụ PCTT và duy tu sửa chữa với tổng kinh phí 1.586 tỷ đồng…
Đồng chí Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc. |
Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch của tỉnh ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ sạt lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 - 2019, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 415 điểm sạt lở bờ sông, bờ kinh với tổng chiều dài khoảng 42,6 km, kinh phí gần 232 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2020, trên địa bàn các huyện phía Tây đã xuất hiện 92 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch với tổng chiều dài 3,6 km, ước tổng kinh phí xử lý hơn 83 tỷ đồng.
Trong 7 tháng năm 2020, toàn tỉnh có 8 cơn lốc xoáy xảy ra trên địa bàn các huyện Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Châu Thành, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TP. Mỹ Tho làm thiệt hại 194 căn nhà (trong đó: sập 12 căn, tốc mái 182 căn), 4.126 cây thiệt hại 100%... ước tổng thiệt hại khoảng 6,97 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. |
Đối với xâm nhập mặn 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang đã nhận được sự hỗ trợ của trên 100 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ công tác ứng phó xâm nhập mặn. Ngoài ra, tỉnh đã vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ Mỹ Thuận về bổ cấp cho 2 nhà máy nước Đồng Tâm, Bình Đức và huyện Tân Phú Đông; vận chuyển nước hỗ trợ cho cây ăn trái. Các nguồn lực sau khi tiếp nhận, tỉnh đã kịp thời chuyển đến người dân để giảm bớt khó khăn trong mùa hạn, mặn…
Thành viên Đoàn công tác phát biểu ý kiến. |
Trước tình hình thiên tai, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển… hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tiền Giang kiến nghị Trung ương xem xét ghi vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ tỉnh đầu tư các dự án, như: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Gò Công; dẫn nước ngọt từ phía Tây của tỉnh qua kinh Chợ Gạo; đắp đập hai đầu sông Cửa Trung; xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, tạo nguồn trên kinh Nguyễn Tấn Thành; các công trình ngăn mặn tại các kinh, rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864; hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ vườn chuyên canh cây ăn trái…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Hồng Thái đánh giá cao tính chủ động thực hiện công tác PCTT của tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt là các giải pháp tích cực, những sáng kiến trong đợt hạn, mặn vừa qua; công tác xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai theo đúng hướng dẫn. Công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó bão, lũ, sạt lở đất… bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại… Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tiền Giang để trình Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT xem xét, giải quyết. Đồng thời, các Bộ, ngành Trung ương cần thu thập, trao đổi các tài liệu nghiên cứu của Trung ương gửi địa phương để tham khảo, áp dụng vào thực tiễn trong công tác PCTT…
VĂN THẢO
.