.
HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP QUYẾT THẮNG, HUYỆN TÂN PHƯỚC, TỈNH TIỀN GIANG:

Tập trung hỗ trợ khoa học - kỹ thuật cho thành viên

Cập nhật: 08:34, 27/08/2020 (GMT+7)

Trước những khó khăn nội tại, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đang tập trung hỗ trợ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên; đồng thời, nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng được thành lập năm 1999, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh gồm: Cấp nước sinh hoạt, sản xuất và tiêu thụ khóm, cung ứng vật tư nông nghiệp…

Ông Bùi Công Thành cùng thành viên HTX trao đổi kỹ thuật trồng khóm.
Ông Bùi Công Thành cùng thành viên HTX trao đổi kỹ thuật trồng khóm.

SẢN XUẤT KHÓM THEO CHUẨN VIETGAP

Trước đây, HTX chuyên canh cây khóm và từng xây dựng nên thương hiệu “Khóm Tân Lập”. Chính kết quả đó đã giúp cho vùng đất Tân Lập chuyển mình, đời sống của người dân được khấm khá.

“Khóm Tân Lập” đã trở thành nguyên liệu chính cho Nhà máy chế biến rau quả của tỉnh, là sản phẩm xuất khẩu chính của Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang dưới dạng chế biến như: Khóm đóng hộp, nước khóm, khóm đông lạnh… tiêu thụ trên thị trường các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện tại, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cung cấp nhiều dịch vụ như: Cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, tiêu thụ sản phẩm, bán vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa. Có hơn 600 hộ dân của xã Tân Lập 1, Tân Lập 2 và các vùng lân cận đang sử dụng nước do HTX cung cấp.

Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khu vực III - Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy trình VietGAP cho cây Khóm Tân Lập - HTX Quyết Thắng.

Đồng thời, cấp chứng nhận VietGAP cho 22 hộ nông dân trồng khóm ở vùng Tân Lập - HTX Quyết Thắng. Đây là chứng nhận đầu tiên trên cả nước đối với sản phẩm nông nghiệp phù hợp quy trình sản xuất rau quả tươi an toàn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Chứng nhận VietGAP đánh dấu bước phát triển mới của nông dân vùng Tân Lập, đã đưa cây khóm lên ngôi. Trong quá trình hoạt động, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã tích cực nghiên cứu phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ các thành viên.

HỖ TRỢ THÀNH VIÊN, CẢI TIẾN GIỐNG KHÓM

Hơn 20 năm hoạt động, được chọn làm HTX điểm của tỉnh Tiền Giang, được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư máy làm đất, HTX xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã hỗ trợ nông dân rất nhiều. 

Anh Nguyễn Văn Huệ (ấp 2, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước) là một trong những thành viên gắn bó với HTX từ những ngày đầu mới thành lập cho biết, anh được HTX hỗ trợ rất nhiều như kỹ thuật canh tác, tham gia các hội thảo, tập huấn về khoa học - kỹ thuật. Qua đó, anh Huệ tiếp cận và học hỏi được nhiều kiến thức do các chuyên gia, kỹ sư chia sẻ. 

Còn ông Nguyễn Văn Điều (ấp 2, xã Tân Lập 1) tham gia HTX được 8 năm. Theo ông Điều, khi tham gia vào HTX ông được hưởng nhiều lợi ích như được hỗ trợ, cung cấp nước tưới, phân, thuốc, đầu ra sản phẩm.

Dù vậy, theo ông Bùi Công Thành, Giám đốc HTX Quyết Thắng, hiện HTX đang gặp một số khó khăn như: Thiếu vốn, không liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ khóm… Trước đây, HTX có khoảng 300 ha đất trồng khóm, nhưng khoảng 3 năm qua diện tích trồng khóm dần thu hẹp, chỉ còn lại 100 ha.

Nguyên nhân khiến các thành viên chuyển đổi cây trồng là do khóm cho năng suất không cao, giá thấp, thiếu nhân công… Hiện HTX đang khảo sát, nghiên cứu xem cây trồng nào được thành viên quan tâm, chuyển đổi nhiều nhất. Từ đó, HTX sẽ tập trung đầu tư, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật cho thành viên.

Mặt khác, HTX đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu giống khóm mới có tên gọi là MD2 của Philippines. Giống khóm mới này cho trái to, ít xơ, ngọt, ăn ít rát lưỡi, không gai, đặc biệt là cho năng suất cao.

Qua tìm hiểu thực tế tại TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), ông Thành nhận thấy, cùng cung cấp lượng phân bón như nhau nhưng giống khóm mới có màu xanh tốt hơn, trái to từ 1,8 đến 2 kg/trái; giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg.

Theo ông Thành, do giống khóm cũ lão hóa dẫn đến năng suất không cao, đầu ra sản phẩm khó khăn, nên các thành viên chuyển đổi cây trồng. Điều cần nhất hiện nay là cần cải tiến lại giống khóm để giúp nông dân ổn định hơn.

LÝ OANH

.
.
.