Quỹ đầu tư phát triển Tiền Giang: Tiếp sức nhà đầu tư
Kết quả cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển Tiền Giang thời gian qua cho thấy, 1 đồng vốn cho vay, giải ngân đã góp phần huy động thêm hơn 1,5 đồng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn, vào đúng các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, phát triển mạng lưới giáo dục, chỉnh trang đô thị, phát triển vận tải công cộng, hạ tầng cụm công nghiệp.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho huyện Tân Phú Đông vay 49 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Ảnh: MINH TRÍ |
KÍCH HOẠT CÁC DÒNG VỐN ĐẦU TƯ
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 121/2015 ngày 11-12-2015 của HĐND tỉnh về ban hành danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh thuộc đối tượng đầu tư trực tiếp, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đơn vị đã thẩm định cho vay 62 phương án, dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 1.393 tỷ đồng và vốn quỹ đã cho vay đạt 546 tỷ đồng, chiếm hơn 39% tổng mức đầu tư dự án.
Trong đó, một số dự án vay vốn lớn có thể kể như Dự án Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước BOO Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông vay 90 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở thương mại xã Trung An (TP. Mỹ Tho) vay 80 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 vay 85 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng Cảng du thuyền vay 50 tỷ đồng… Đặc biệt, 38 phương án của Công ty Điện lực Tiền Giang cải tạo và phát triển lưới điện cung cấp điện cho các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vay 130 tỷ đồng, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến nay là một trong những “điểm sáng” trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh của năm nay.
Quyền Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Nguyễn Thanh Trường cho biết, để có kết quả trên, một mặt quỹ công bố các thủ tục, các quy trình, quy định, các hồ sơ, mẫu biểu liên quan đến lĩnh vực cho vay đầu tư tại trụ sở cũng như trên website của quỹ để doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng tiếp cận. Mặt khác, quỹ tổ chức các buổi tiếp xúc, phổ biến quy định cho vay đến các doanh nghiệp; chủ động tiếp cận doanh nghiệp ở các huyện, thành, thị trong tỉnh... Nguồn vốn của quỹ đã phát huy tác dụng, là vốn “mồi” nhằm huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, tạo nên động lực mới để thu hút các nguồn lực tài chính trên địa bàn phục vụ có hiệu quả các mục tiêu ưu đãi của tỉnh.
MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG VAY
Dù vậy, theo đồng chí Nguyễn Thanh Trường, việc cho vay của quỹ cũng gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết, theo Nghị định 38/2007 và Nghị định 37/2013 của Chính phủ, đối tượng đầu tư trực tiếp, cho vay của quỹ vẫn còn khá hẹp, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn của quỹ do không thuộc đối tượng. Chưa kể trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh xảy ra, việc tìm kiếm các dự án đầu tư trực tiếp, cho vay đúng đối tượng và đủ điều kiện của quỹ còn rất khó khăn. Một số dự án vay tuy chủ đầu tư tích cực triển khai nhưng tiến độ cũng còn khá chậm do vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, về thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu, công chứng tài sản thế chấp… làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, cho vay của quỹ. Một thực tế nữa, hiện nay nhu cầu vay vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng quỹ không đủ nguồn nên không ít trường hợp buộc phải từ chối cho vay...
Để tháo gỡ các khó khăn trên, đồng chí Nguyễn Thanh Trường cho biết, thời gian tới, quỹ sẽ thường xuyên rà soát để hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, điều kiện về cho vay đầu tư, đầu tư trực tiếp dự án, góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp vốn, quản trị rủi ro, quản lý danh mục đầu tư, quản lý vốn ủy thác… để chuẩn hóa các hoạt động nghiệp vụ, giảm thiểu rủi ro xảy ra trong quản lý, điều hành. Song song đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục vay vốn, công khai và đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, giải ngân vốn vay để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Bên cạnh việc mở rộng hoạt động cho vay, quỹ sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả từng khoản cho vay đầu tư phát triển để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì mức nợ quá hạn, nợ xấu trong phạm vi kiểm soát; tăng cường, xúc tiến công tác tìm kiếm dự án mới kết hợp với việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng, giám sát chặt chẽ các khoản nợ vay đã giải ngân.
Đồng thời, đồng chí cũng đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thay thế Nghị định 138/2007 ngày 28-8-2007 và Nghị định 37/2013 ngày 22-4-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và các thông tư hướng dẫn thực hiện; bổ sung tăng vốn điều lệ quỹ để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025...
Q.A