Thứ Năm, 06/08/2020, 14:03 (GMT+7)
.

Tập đoàn Đèo Cả muốn đầu tư cao tốc Tiền Giang - Đồng Tháp

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA Group) đã có buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp và thể hiện mong muốn được đầu tư vào dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh nối Tiền Giang với Đồng Tháp theo hình thức PPP (đối tác công - tư), theo ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp.

Cao tốc An Hữu- Cao Lãnh kết nối vào cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh kết nối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Ngày 5-8, ông Quang cho biết, DEOCA Group muốn làm dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh theo hình thức PPP. "Nhưng, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông Vận tải nên địa phương chỉ ghi nhận ý kiến của nhà đầu tư thôi”, ông cho biết và nói rằng về phương án, sẽ đầu tư một tuyến cao tốc độc lập và đi song song với quốc lộ 30 hiện hữu (kết nối từ An Hữu đến Cao Lãnh).

Theo ông Quang, sau khi chủ đầu tư có ý kiến, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để có chỉ đạo.

Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội với tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu đầu tư công, dự án tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.380 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), thì tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 5.643 tỷ đồng, tức tăng 263 tỷ đồng so với đầu tư công do phải chịu lãi suất vay ngân hàng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, Ban quản lý dự án 7 đang nghiên cứu, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải hai phương án đầu tư dự án nêu trên, gồm đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, theo ông Dương, do tính cấp thiết và quan trọng của tuyến mới An Hữu - Cao Lãnh, trong khi nếu triển khai đầu tư theo hình thức PPP thời gian sẽ kéo dài do thủ tục phức tạp và tổng mức đầu tư cao hơn 263 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư không cao so với tổng mức đầu tư (1.663/5.643 tỷ đồng, chiếm 29,47%) do khống chế thời gian khai thác của nhà đầu tư không quá 18 năm, cho nên, hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP không cao.

Chính lý do nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương thống nhất đầu tư dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh bằng hình thức đầu tư công. Trong đó, ngân sách tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang góp khoảng 40% (dự án đi qua hai địa phương này, trong đó, chủ yếu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp - PV) (2.152 tỷ đồng) và ngân sách Trung ương hỗ trợ 60% (3.228 tỷ đồng) tổng mức đầu tư của dự án.

Tại buổi làm việc lúc bấy giờ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ với đề xuất của Đồng Tháp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án nêu trên đã nằm trong quy hoạch phát triển giao thông, tức đã được phê duyệt chủ trương. "Vấn đề là đưa vào kế hoạch đầu tư công lúc nào để bố trí vốn thôi", bà nói và tái nhấn mạnh: "Tôi và các vị ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề nghị của tỉnh".

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có một vị trí rất quan trọng. Bởi, không chỉ giúp kết nối các địa phương như: Kiên Giang, An Giang và một phần TP. Cần Thơ với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, mà còn giúp kết nối giữa Campuchia với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long..., trong vận chuyển hàng hóa.

"Thành ra, tôi muốn nói rõ hơn tầm quan trọng của đoạn chỉ hơn 30 km này, nhưng nó là nỗi buồn của người dân Đồng Tháp", ông Hoan cho biết.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.