Thứ Hai, 03/08/2020, 11:08 (GMT+7)
.

Thu nhập khá nhờ chuyển đổi cây trồng

Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chuyển đổi cây trồng theo hướng phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài cây thanh long, mô hình trồng bưởi và dừa Mã Lai cũng được nhiều nông dân quan tâm. Nông dân Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Út là 2 điển hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả theo hướng này.

Từ 7.000 m2 đất canh tác lúa hiệu quả không cao, năm 2010 anh Nguyễn Văn Thành (ấp Bình An, xã Song Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 150 gốc dừa Mã Lai do giống dừa này dễ trồng, nhanh cho trái, năng suất cao lại có giá.  Sau 2 năm rưỡi trồng, dừa Mã Lai bắt đầu cho trái và năng suất trái càng tăng trong những năm sau.

Đến năm 2012, nhận thấy nhu cầu về giống dừa Mã Lai ngày càng tăng do nhiều người dân mở rộng diện tích trồng, anh Thành đã ương cây giống dừa này cung ứng cho thị trường. Trái dừa giống sau khi thu hoạch, anh Thành chọn những trái từ quày dừa tốt, trái đều, có kích thước, hình dạng đặc trưng của giống, đặc biệt là trái không bị sâu bệnh tấn công hay bị chuột, sóc cắn để ương giống. Tại các điểm ương dừa giống, anh Thành chia ra các khu vực khác nhau phù hợp với từng giai đoạn phát triển của dừa, thoát nước tốt, khu ương được che chắn để giảm ánh sáng trực tiếp. Mỗi tháng, anh Thành ương trung bình 1.000 trái dừa, có khi cao điểm lên đến 1.500 trái, với tỷ lệ đạt từ 70% đến 80%.

Anh Nguyễn Văn Thành đang ương cây dừa giống Mã Lai.
Anh Nguyễn Văn Thành đang ương cây dừa giống Mã Lai.

Từ 1.000 trái dừa giống, anh ương đạt 700 cây dừa giống, với giá 40.000 đồng/cây, trừ chi phí thu lãi khoảng 20 triệu đồng/đợt. Dừa Mã Lai giống do anh Thành ương không chỉ cung cấp cho người dân trong tỉnh, mà người dân ở nhiều nơi của các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũng đến mua. Với cách làm này, hiệu quả kinh tế từ vườn dừa Mã Lai của anh tăng gấp 2 lần so với cây trồng trước đây.
Bên cạnh đó, anh Thành tận dụng phần đất còn lại lúc dừa còn nhỏ và xung quanh nhà để trồng xen canh thêm 200 cây bưởi da xanh để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện nay, cây bưởi da xanh phát triển rất tốt, cho nguồn thu từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Út bên vườn bưởi của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Út bên vườn bưởi của gia đình.

Cũng không có nguồn thu nhập cao từ trồng lúa do giá cả bấp bênh, anh Nguyễn Văn Út (ấp Tân Long, xã Long Bình Điền) quyết định chuyển đổi 3.100 m2 đất sang trồng bưởi da xanh và dừa Mã Lai. Hiện tại, với 70 cây bưởi da xanh và 130 cây dừa Mã Lai đều đã cho thu nhập. Trong những năm qua, bưởi da xanh luôn có giá cao, có lúc cao điểm lên đến 55.000 - 60.000 đồng/kg, giúp thu nhập từ vườn bưởi da xanh cao gấp nhiều lần so trồng lúa.

Mỗi năm, vườn bưởi da xanh của anh Út thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt khoảng 1 tấn trái, với giá trung bình 30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời khoảng 90 triệu đồng/năm. Ngoài việc trồng bưởi da xanh, anh Út còn trồng thêm 130 cây dừa Mã Lai. Tuy hiệu quả không cao bằng bưởi da xanh, nhưng trồng dừa Mã Lai ít vốn, ít công chăm sóc. Mỗi năm nguồn thu từ dừa Mã Lai hơn 40 triệu đồng. Năm 2020, tình hình xâm nhập mặn diễn biến gay gắt hơn những năm trước làm nhiều vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng, nhưng vườn dừa Mã Lai của anh Út cùng nhiều người dân trồng dừa Mã Lai khác vẫn phát triển.

Qua thời gian trồng, chăm sóc, với kinh nghiệm cùng kiến thức tích lũy được từ phòng, trị bệnh cũng như chăm sóc cây bưởi da xanh và dừa Mã Lai, anh Út nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho người dân có nhu cầu để cùng ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu.

BÌNH YÊN - AN KHƯƠNG

.
.
.