Thứ Năm, 06/08/2020, 10:09 (GMT+7)
.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA

(ABO) Sáng 6-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trải qua một thời gian dài với quyết tâm và sự nỗ lực của cả 2 bên, chúng ta đã thu được thành quả to lớn, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU lên một tầm cao mới.

Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ tập trung vào 5 nhóm công việc lớn bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách với tổ chức Công đoàn và các tổ chức người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động cụ thể mang tính chiến lược nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trong việc thực thi một số FTA trước đây, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).  

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA là một FTA có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn cho cả 2 bên.

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100%,  EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU; tăng thu hút đầu tư FTA vào Việt Nam.

Không chỉ thế, Hiệp định EVFTA còn giúp tăng thêm gần 150.000 việc làm/năm. Theo Ngân hàng Thế giới, Hiệp định sẽ giúp từ 0,8 đến 1 triệu người thoát nghèo vào năm 2030.

EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa và dịch vụ nên không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì.

Các doanh nghiệp cần chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn, để tiến sâu hơn, vươn lên vào những khu vực có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, phân phối của EU và cộng đồng.

Điều này có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của EU đang có sự dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất.

Tuy nhiên, hiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chịu những cơn gió ngược dữ dội bởi dịch bệnh Covid-19, khiến cho đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; các chuỗi cung ứng, phân phối bị gián đoạn.

Các nền kinh tế lớn, đối tác hàng đầu của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều suy giảm kỷ lục về tăng trưởng kinh tế, ngay cả thị trường EU.

Trong hội nghị hôm nay, chúng ta vui mừng vì Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực với những ước tính lạc quan về tăng trưởng, xuất khẩu, nhưng tình hình kinh tế thế giới, EU và cả Việt Nam đang rất khó khăn.

Do vậy, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính những kết quả tốt đẹp đó, nhất là để “nâng” mình lên trong hợp tác với EU - nền kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu thế giới.

Chủ động hội nhập quốc tế là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, được cụ thể hóa trong từng giai đoạn phát triển.

Việt Nam đã ký kết thực thi 13 hiệp định FTA với cả Hiệp định EVFTA, nói thẳng thắn rằng, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về cách làm, chịu cả những vấp váp, thua thiệt để rồi tự lực đứng lên, tiếp tục tiến bước.

Một trong những hạn chế lớn nhất là nhận thức của các doanh nghiệp về Hiệp định EVFTA còn hạn chế, việc tận dụng cơ hội còn khiêm tốn. Nhiều cơ quan còn chậm xây dựng văn bản pháp luật liên quan, hướng dẫn thực thi thiếu thống nhất gây khó doanh nghiệp.

Chúng ta còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực chất lượng…

M. THÀNH

.
.
.