Thứ Hai, 17/08/2020, 16:21 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực khôi phục cây ăn trái sau hạn, mặn

 (ABO) Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành và Ủy ban nhân dân các xã, đến ngày 26-6, tổng diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn, mặn mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 5.343 ha (các huyện phía Tây 5.195 ha, các huyện phía Đông 148 ha). Trong đó, tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70% là 1.434 ha, trên 70% (chết) là 3.909 ha.

Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cây ăn trái thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy.
Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cây ăn trái thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy.

Trong đó, diện tích sầu riêng bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn năm 2020 là 4.460 ha (thiệt hại từ 30% đến 70% là 922 ha, trên 70% (chết) là 3.537 ha), nhiều nhất ở xã Long Tiên 535 ha, xã Tam Bình 488 ha, Long Trung 464 ha (huyện Cai Lậy). Ngoài ra, diện tích bị ảnh hưởng nhẹ (thấp hơn 30%) trên 5.000 ha. Theo ước tính, những diện tích bị thiệt hại dưới 30% và bị thiệt hại từ 30% đến 50% có khả năng phục hồi khoảng 5.419 ha.

Hiện tại, các vườn bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%), cây bắt đầu ra lá và phục hồi lại. Nông dân đã tiến hành tháo rửa mặn và bón vôi, phân hữu cơ, kích thích ra rễ. Các vườn bị ảnh hưởng trung bình từ 30% đến 50%, cây bắt đầu ra lá, nhưng phần lớn diện tích lá ra đều nhỏ (chiếm khoảng 43%). Một số nông dân đã tiến hành bón phân hữu cơ, kích thích ra rễ. Nhìn chung, qua công tác tập huấn, tuyên truyền, hội thảo, đa số nhà vườn đã áp dụng các bước của quy trình, còn khả năng phục hồi còn tùy thuộc vào mức độ áp dụng, mức chăm sóc, thời tiết... Sau khi áp dụng đầy đủ 5 bước quy trình phục hồi, sau 3 tháng sẽ đánh giá chính xác khả năng phục hồi của cây.

Để góp phần thực hiện công tác khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn, mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo về giải pháp khôi phục cây ăn trái sau hạn, xâm nhập mặn được 3 cuộc ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và tập huấn các giải pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn được 7 cuộc tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

Đồng thời, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tập huấn các giải pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn, khôi phục cây sầu riêng sau hạn, xâm nhập mặn. Đến nay, cơ quan, đơn vị chức năng đã tổ chức tập huấn được 258 cuộc với 7.553 lượt người tham dự, trong đó tập huấn các biện pháp phòng, chống hạn, mặn 181 cuộc với 5.249 lượt nông dân tham dự và tập huấn các giải pháp phục hồi vườn cây sau hạn, mặn (trong đó có cây sầu riêng) là 77 cuộc với hơn 2.304 lượt nông dân tham dự. Hiện các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các xã đang tiếp tục tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp cải tạo đất và chăm sóc vườn cây ăn trái sau hạn, mặn.

Song song đó, cơ quan chức năng còn đẩy mạnh việc tuyên truyền về giải pháp kỹ thuật khôi phục cây sầu riêng thông qua đài truyền thanh xã và tuyên truyền sâu rộng trong dân thông qua các tổ chức, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ...).

Bên cạnh đó, trước thiệt hại nặng nề trên, Tiền Giang đã đề xuất Trung ương hỗ trợ khảo sát và nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân sầu riêng chết sau hạn, mặn. Ngày 27-7, Đoàn công tác liên ngành gồm Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã đến TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy khảo sát thực tế để tìm ra nguyên nhân làm chết cây sầu riêng sau hạn, mặn xâm nhập. Đoàn đã thu thập nhiều mẫu đất, mẫu rễ, thân, cành, lá cây sầu riêng để mang về nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính làm chết cây, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng sầu riêng chết sau hạn, mặn để tiến tới đề xuất các giải pháp, phương án sản xuất sầu riêng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

MỸ NGỌC

.
.
.