Thứ Sáu, 14/08/2020, 22:08 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Thanh long lại rớt giá

(ABO) Thanh long hiện đang vào mùa thu hoạch rộ cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho thị trường tiêu thụ chậm nên giá thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lại rớt giá khiến nhiều nông dân lao đao.

Giá thanh long đang ở mức thấp khiến nhiều nhà vườn lao đao.
Giá thanh long đang ở mức thấp khiến nhiều nhà vườn lao đao.

Giá giảm sâu

Thời điểm này, đang là thời điểm chính vụ nên nhiều vườn thanh long bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, dù không phải tốn chi phí xông đèn, nhưng giá bán thấp khiến nhiều nhà vườn thua lỗ. Ông Trần Văn Tâm (ngụ xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) vừa thu hoạch lứa thanh long cách nay 3 ngày bán với giá 3.000 đồng/kg (bán xô tại vườn). Lứa này, 4 công thanh long ruột đỏ của ông Tâm thu hoạch được hơn 1 tấn, không đủ tiền phân, thuốc và thuê nhân công.

Theo ông Tâm, thời điểm đầu tháng 6, giá thanh long giảm còn khoảng 3.000 đồng/kg, sau đó tăng lên khoảng 10.000 đồng/kg, rồi lại tiếp tục giảm xuống gần như "chạm đáy" như hiện nay.

Còn chị Nguyễn Thị Thê (ấp Long Hòa, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) có gần 1 ha trồng thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Theo chị Thê, từ đầu mùa đến nay, thanh long ruột đỏ bán với giá cao nhất khoảng 11.000 đồng/kg, thấp nhất là 3.000 đồng/kg. Cách nay ít ngày, chị Thê vừa bán khoảng 4 tấn thanh long (2 tấn ruột trắng, 2 tấn ruột đỏ) với giá 3.000 đồng/kg, dù trái rất đẹp.

“Bán 4 tấn thanh long mà không đủ trả tiền nhân công, phân, thuốc nữa. Năm vừa qua, có thời điểm thanh long rớt giá còn 2.000 đồng/kg, song sau đó tăng trở lại. Còn năm nay, thanh long cứ nằm ở mức giá thấp mà theo thương lái nói với nhà vườn là bán hàng không được nên mua với giá rẻ. Thanh long loại dạt được thương lái thu mua với giá chỉ 500 đồng/kg, thậm chí là không mua”. - chị Thê cho biết thêm.

Theo bà Hồ Thị Bạc, chủ vựa thanh long ở xã Quơn Long, hiện thanh long ruột trắng cũng như ruột đỏ được vựa thu mua với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Những ngày qua, người dân thu hoạch rộ nên lượng thanh long rất lớn, song sức tiêu thụ tại các chợ lại rất chậm. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, bán chậm nên giá thu mua rẻ, dù hàng đẹp, đạt chất lượng.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) cho biết, mỗi ngày HTX thu mua khoảng 30 tấn thanh long trên địa bàn. Hiện thanh long ruột đỏ được thu mua với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg (mua xô tại vườn), ruột trắng thì giá cao hơn. Hiện nay, thanh long ruột đỏ hầu như chỉ xuất được sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên thị trường này đang tiêu thụ chậm nên giá rẻ.

ĐẦU RA GẶP KHÓ

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện toàn huyện có khoảng 7.500 ha thanh long. Vừa qua, những vườn thanh long cho trái đẹp được thương lái thu mua với giá khoảng 3.000 đồng/kg, loại dạt chỉ mua với giá vài trăm đồng, thậm chí là không mua.

Mọi năm, vào mùa thuận, thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thường có giá thấp do trùng với mùa vụ bên thị trường Trung Quốc và một số loại trái cây khác. Thanh long ruột trắng có thể xuất sang thị trường châu Âu và vận chuyển đi xa, còn thanh long ruột đỏ hầu như chỉ xuất sang Trung Quốc, do khó vận chuyển đi xa. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình lũ lụt ở Trung Quốc nên sức tiêu thụ bị ảnh hưởng, việc xuất khẩu, thông quan bị chậm.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương cho biết, để giải quyết bài toán đầu ra cho thanh long phải thực hiện trên bình diện cả nước, chỉ xuất khẩu mới giải quyết được. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu nói chung và thanh long nói riêng vẫn nằm trong tình trạng khó khăn chung của các nước.

Hiện việc vận chuyển sang nước ngoài rất khó khăn. Ở các biên giới việc kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ nên việc thông quan rất chậm. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi thành phần, mọi người và cả sản xuất cũng bị đình trệ.

Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ khoảng 60% - 70% lượng trái cây của tỉnh Tiền Giang, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở địa phương này nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển, tiêu thụ.

Theo đồng chí Đoàn Văn Phương, nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Tiền Giang, góp phần hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vận chuyển, tiêu thụ thanh long tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các xã trên địa bàn tỉnh.

Hiện ngành Công thương tỉnh Tiền Giang đang ráo riết phê duyệt chủ trương, tập hợp các doanh nghiệp, làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và phối hợp với các đoàn thể để triển khai.

M. THÀNH

.
.
.