Thứ Hai, 03/08/2020, 20:16 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tìm giải pháp khôi phục vườn sầu riêng

(ABO) Chiều 3-8, tại huyện Cai Lậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy tổ chức Hội thảo Xác định nguyên nhân cây sầu riêng chết sau hạn, mặn và các giải pháp khắc phục.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.

Theo Sở NN&PTNT, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn, nhưng từ tháng 3-2020, các vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh bắt đầu suy kiệt, rụng lá và chết dần.

Qua khảo sát thực tế, diện tích sầu riêng bị thiệt hại do hạn, mặn là 4.459 ha (tỷ lệ thiệt hại từ 30% - 70% là 922 ha; tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 3.537 ha).

Diện tích sầu riêng thiệt hại xảy ra chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Cai Lậy và TX. Cai Lậy.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh diện tích sầu riêng bị thiệt hại, tỉnh đã bảo vệ an toàn cho 10.411 ha/14.870 ha sầu riêng. Nhiều vườn sầu riêng được chăm sóc tốt đã cho thu hoạch.

Điều này cho thấy hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn, mặn của tỉnh trong thời gian qua.

Qua điều tra, các nguyên nhân làm cây sầu riêng bị thiệt hại được xác định gồm: Thiếu nước ngọt để tưới; cây bị sốc do môi trường bất lợi; rò rỉ mặn; tưới nước nhiễm mặn; cây mang trái.

Tại hội thảo, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá các nguyên nhân, yếu tố gây thiệt hại cho cây sầu riêng.

Người dân xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trồng lại vườn sầu riêng bị chết do hạn, mặn.
Người dân xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trồng lại vườn sầu riêng bị chết do hạn, mặn.

Đồng thời, hướng dẫn các giải pháp để người dân khôi phục vườn sầu riêng; giải pháp phòng, chống ảnh hưởng của hạn, mặn đối với cây sầu riêng trong những năm tiếp theo.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, để giúp cây phục hồi sau hạn, mặn, nông dân có 3 việc cần làm gồm: Rửa độc chất mặn, phèn trong đất; hóa giải độc chất stress trong cây; cho cây ăn dưỡng chất đã bị đối kháng.

Mặt khác, để giảm thiểu thiệt hại trong những năm tới, nông dân nên thiết kế lại mương vườn để đảm bảo nước tưới cho vườn sầu riêng.

Việc thiết kế mương vườn phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Luôn có nước để ém phèn, chặn mặn; có đủ nước tưới cây khi sông, rạch bị mặn; điều tiết được nước (có bờ bao và cống).

TRỌNG ĐẠT

.
.
.