Hơn 64.500 tỷ đồng đầu tư 7 tuyến cao tốc ở ĐBSCL
Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Riêng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cơ quan này đang đề xuất đầu tư giai đoạn phân kỳ của bảy tuyến cao tốc.
Khu vực ĐBSCL sẽ có bảy tuyến cao tốc trong thời gian tới. Ảnh minh họa: VGP |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh An Giang về đề nghị quy hoạch đầu tư xây dựng tuyến cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để khai thác hết lợi thế, tiềm năng ở vùng kinh tế trọng điểm này.
Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với ba tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km. Tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc này theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.
Để có cơ sở triển khai huy động vốn, từng bước đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư các tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030, đồng thời bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Riêng vùng ĐBSCL, Bộ dự kiến đề xuất đầu tư giai đoạn phân kỳ của bảy tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỉ đồng.
Trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỉ đồng, bao gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.
(Theo thesaigontimes.vn)