HUYỆN GÒ CÔNG TÂY, TỈNH TIỀN GIANG:
Nhiều giải pháp nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng Việt
Cập nhật: 17:38, 24/09/2020 (GMT+7)
(ABO) Sáng 24-9, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) do đồng chí Nguyễn Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Ban Chỉ đạo huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) về thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động) năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang; đồng chí Phạm Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gò Công Tây; các thành viên Ban Chỉ đạo huyện và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Đoàn làm việc tại huyện Gò Công Tây. |
Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo huyện Gò Công Tây đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về Cuộc Vận động thông qua các hình thức như lồng ghép họp, sinh hoạt 612 cuộc; phát 225 lượt trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Gò Công Tây; cấp phát 25.000 tờ rơi...
Đặc biệt, huyện tổ chức và duy trì thường xuyên mô hình "Cà phê doanh nghiệp" vào buổi sáng thứ 7 đầu tuần hằng tháng. Huyện đã phát triển mới 40 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện là 191 doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã phát biểu tại buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, huyện hiện có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; đồng thời, phê duyệt 2 dự án: Liên kết sản xuất và tiêu thụ rau tại HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới; liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ lúa và lúa giống tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa. Tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Huyện có 10 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được chứng nhận, với quy mô 122,26 ha. Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm với nhiều dự án được triển khai hỗ trợ. Đồng thời, huyện luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong đào tạo nghề; phối hợp quảng bá, giới thiệu đưa hàng Việt về các chợ nông thôn, tham gia các sự kiện của địa phương...
Đoàn làm việc tại huyện Gò Công Tây. |
Toàn huyện có 24 chợ, 1 trung tâm mua sắm các mặt hàng điện tử, diện gia dụng và 5 cửa hàng tiện tích. Ban Chỉ đạo huyện Gò Công Tây thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh, hành giả, hàng kém chất lượng. Qua kết quả thực hiện Cuộc Vận động, hiện nay có hơn 80% người dân huyện Gò Công Tây chuộng mua sắm hàng Việt.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã có nhiều ý kiến, cam kết trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng. Đồng thời, kiến nghị một số khó khăn cần các cấp, các ngành hỗ trợ như: Nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; giải quyết vấn đề thiếu nước trong sản xuất trong mùa hạn, mặn; hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm…
Đoàn tham quan quy trình sản xuất tại Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân. |
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao những kết quả mà huyện Gò Công Tây đạt được trong việc thực hiện Cuộc vận động. Huyện đã có nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt cũng như công tác kiểm tra, xử phạt về vi phạm hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng; thực hiện tốt việc tổ chức kết nối cung - cầu sản phẩm Việt… Đồng thời, ghi nhận những ý kiến kiến nghị của lãnh đạo, Ban Chỉ đạo huyện, các doanh nghiệp, HTX để báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương có giải pháp hỗ trợ.
Đoàn tham quan quy trình sản xuất gạo tại Công ty TNHH Vinh Hiển. |
Sau buổi làm việc, Đoàn đã đi tham quan thực tế sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân (sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ đông trùng hạ thảo) và Công ty TNHH Vinh Hiển, chuyên sản xuất và cung ứng gạo các loại.
P. MAI