Thứ Hai, 07/09/2020, 14:10 (GMT+7)
.

Khơi dậy tiềm lực lao động ở nước ngoài

Rất nhiều trường hợp người lao động Tiền Giang đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã có cuộc sống ổn định và trở thành nguồn lực lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhật Bản luôn là thị trường tiềm năng và là đích đến của nhiều lao động nước ngoài đến làm việc, trong đó có người lao động của Tiền Giang.

Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm.
Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm.

CHỦ TRƯƠNG LỚN

Năm 2019 đánh dấu quan trọng khi số lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của Tiền Giang tăng vọt so với nhiều năm trước đây. Rất nhiều trường hợp cũng đã được hỗ trợ nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Tiền Giang để đi làm việc ở nước ngoài và có cuộc sống ổn định, điền hình như chị Lê Thị Cẩm Tiên (xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy), Lê Thị Ngọc Tuyền (xã Long Định, huyện Châu Thành), Nguyễn Quốc Thái (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè)…

Hầu hết những trường hợp đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của Tiền Giang trong thời gian vừa qua đều cập bến ở thị trường Nhật Bản. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) năm 2019, Tiền Giang có 926 lượt lao động đăng ký tham gia, có 349 lao động xuất cảnh (đạt gần 172% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 232% so với kế hoạch năm, đạt hơn 116% so với kế hoạch phấn đấu). Trong đó, có 307 người lao động Tiền Giang xuất cảnh qua Nhật Bản (chiếm gần 88%), 30 lao động sang thị trường Đài Loan, còn lại là một số thị trường khác.

Trong năm 2019, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang cũng đã cho 72 lao động vay vốn, với tổng số tiền 7,12 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, bình quân hằng tháng khoảng 25 - 30 triệu đồng đối với thị trường Nhật Bản, 18 - 20 triệu đồng đối với thị trường Đài Loan, 10 triệu đồng đối với thị trường Malaysia.

Mặc dù số người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tăng và vượt kế hoạch nhưng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể như: Một số địa phương chưa tích cực chỉ đạo công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thiếu tính chủ động. Đối tượng tham gia các buổi tư vấn, tuyên truyền trực tiếp chưa đúng người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nội dung tuyên truyền lồng ghép với nhiều nội dung khác nên chưa mang lại hiệu quả cao.

Một số người lao động chưa có ý thức tuân thủ pháp luật, vi phạm hợp đồng và luật pháp của nước sở tại. Một số trường hợp bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không trở về Việt Nam, ở lại cư trú bất hợp pháp ảnh hưởng đến việc tuyển chọn nguồn lao động và uy tín của địa phương…

Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hiện đang là một trong những chủ trương lớn của Tiền Giang, được thực hiện theo Chỉ thị 04 ngày 17-9-2018 của Tỉnh ủy; Quyết định 363 ngày 31-1-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, thời gian qua các sở, ngành, địa phương có liên quan đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua nhiều kênh như trên các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm, tài liệu, các hoạt động tư vấn, hội nghị xúc tiến đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời, thực hiện công tác tạo nguồn thông qua việc liên kết với 13 doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở các thị trường trọng điểm để tư vấn, đào tạo tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Chính sách tín dụng hỗ trợ cho người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng được đặc biệt quan tâm. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Tiền Giang thường xuyên trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thống nhất thời điểm giải ngân cho người lao động.

Theo đó, đợt 1 được giải ngân 30% ngay sau khi trúng tuyển, ký hợp đồng với doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đợt 2 được giải ngân phần còn lại khi người lao động đã được cấp tư cách lưu trú, mức vay tín chấp tối đa 100% chi phí (bao gồm chi phí người lao động nộp doanh nghiệp theo hợp đồng; chi phí sinh hoạt ăn ở, đi lại, khám sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết).

Trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng người đi làm việc ở nước ngoài của Tiền Giang cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang Dương Văn Hoàng, trong 8 tháng năm 2020, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang đã giải ngân được hơn 1,9 tỷ đồng cho 22 lao động đi làm việc tại Nhật Bản từ nguồn vốn ủy thác địa phương.

Thực tế cho thấy, trong năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tháng 3-2020 Sở LĐ-TB&XH có công văn gửi Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang đề nghị tạm dừng việc giải ngân vốn cho vay người lao động làm việc tại Nhật Bản. Từ ngày 29-7-2020, Chính phủ Nhật Bản đã cấp Visa trở lại và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.

Ngoài ra, các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã tiếp nhận lao động trở lại. Do đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang sẽ tiếp tục giải ngân vốn vay cho người lao động đã trúng tuyển và có tư cách lưu trú đi làm việc ở nước ngoài.

“Hiện nay, nguồn vốn vay xuất khẩu lao động từ vốn ủy thác địa phương của UBND tỉnh Tiền Giang còn nhiều, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từng bước được xác lập trở lại. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều lao động được vay vốn để đi xuất khẩu lao động”- đồng chí Dương Văn Hoàng cho biết.

A.P
 

.
.
.