Thứ Sáu, 11/09/2020, 09:25 (GMT+7)
.

Nhiều vườn sầu riêng đã ra hoa

Sau nỗ lực triển khai các giải pháp khôi phục sau hạn, mặn, đến thời điểm này, nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang đã phục hồi tốt. Nhiều vườn đang được xử lý ra hoa, lấy trái.

Vườn sầu riêng của ông Mảng hiện đã phục hồi và ra hoa.
Vườn sầu riêng của ông Mảng hiện đã phục hồi và ra hoa.

ĐÃ PHỤC HỒI TRÊN 80%

Toàn xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) có hơn 650 ha sầu riêng. Đợt hạn, mặn vừa qua, diện tích sầu riêng của xã bị thiệt hại (trên 70% và chết) khoảng 150 ha. Hiện người dân đang tập trung khôi phục các vườn bị suy kiệt và trồng mới đối với những diện tích sầu riêng bị chết. Anh Trần Văn Hai (ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức) cho biết, gia đình anh trồng 6 công sầu riêng Ri6. Đợt hạn, mặn vừa qua làm hơn 10 cây sầu riêng trong vườn bị chết và nhiều cây khác bị suy kiệt. Sau hạn, mặn, anh thực hiện nhiều giải pháp và hiện vườn sầu riêng đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, do cây không đảm bảo cho việc lấy trái nên gia đình không tiến hành xử lý nghịch vụ. Còn anh Võ Trọng Toại (cùng ấp) có gần 10 công sầu riêng từ 7 - 12 năm tuổi, hạn, mặn vừa qua đã làm hơn 30 cây sầu riêng trong vườn bị chết và nhiều cây khác suy kiệt. Qua hướng dẫn của các ngành chức năng và kinh nghiệm, anh Toại đã thực hiện quy trình khôi phục sầu riêng 5 bước của Viện Cây ăn quả miền Nam đối với vườn cây của gia đình. Đến nay, nhiều cây sầu riêng đã phục hồi tốt.

Theo Sở NN&PTNT, để giúp nông dân khôi phục vườn sầu riêng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân rửa mặn trong đất, hóa giải độc chất và bổ sung dưỡng chất cho cây sầu riêng theo hướng dẫn của nhà khoa học và quy trình 5 bước phục hồi vườn sầu riêng. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến thăm các vườn sầu riêng bị ảnh hưởng, theo dõi sự phục hồi của cây và kịp thời hướng dẫn cụ thể hơn cho người dân, đảm bảo thực hiện đúng theo từng bước phục hồi vườn cây. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất mô hình phát triển cây sầu riêng và cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo lấy ý kiến đề xuất mô hình phù hợp.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Mảng (ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) cũng cho biết, hơn 5 công sầu riêng 6 năm tuổi của gia đình ông bị cháy lá sau hạn, mặn. Sau khi nước mặn rút, ông đã lấy nước vào mương vườn để xả mặn; đồng thời, phun thuốc để phục hồi bộ lá. Đến nay, vườn sầu riêng của ông Mảng đã phục hồi, phát triển tốt và hoàn thành việc xử lý nghịch vụ. Hiện vườn sầu riêng ra hoa đạt tỷ lệ cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến ngày 25-8, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá tình hình khôi phục các vườn sầu riêng sau hạn, mặn. Qua thống kê, các vườn bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%), cây đã khôi phục hoàn toàn, sinh trưởng tốt, có thể cho trái vào vụ tiếp theo. Các vườn bị ảnh hưởng trung bình từ 30% - 70%, bộ lá mới đã phát triển tốt, cây phục hồi trên 80%, nông dân đang tiếp tục chăm sóc cây theo khuyến cáo. Hiện nay, hầu hết các vườn đã áp dụng đến bước thứ 3 và bước 4 trong quy trình phục hồi 5 bước của Viện Cây ăn quả miền Nam. Thực tế cho thấy, khả năng 100% diện tích này sẽ được phục hồi hoàn toàn sau khi thực hiện quy trình 5 bước theo khuyến cáo. Đối với diện tích sầu riêng đã chết hơn 3.500 ha, đến nay các huyện đã trồng lại hơn 1.660 ha, chủ yếu là giống Ri6, Monthong.

TIẾP TỤC GẮN BÓ VỚI CÂY SẦU RIÊNG

Sau đợt hạn, mặn “lịch sử” vừa qua, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng bị thiệt hại băn khoăn: Trước tình hình hạn, mặn, biến đổi khí hậu rất khó lường, có nên tiếp tục gắn bó với cây trồng này không? Trong khi đó, trồng sầu riêng trung bình khoảng 5 năm mới cho trái, chi phí đầu tư cao hơn so với các loại cây trồng khác. Ông Phạm Văn Hoàng (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, những ngày qua, sau khi lên liếp, đào mương, ông đã trồng mới lại cây sầu riêng trên nền đất cây trồng đặc sản này bị chết do hạn, mặn. “Bây giờ phải làm lại từ đầu. Từ trước đến nay, tôi gắn bó với cây sầu riêng nên giờ cũng phải tiếp tục trồng cây này. Dù vậy, tôi cũng lo lắng không biết những năm tới mặn có ảnh hưởng nữa hay không?”.

Theo Sở NN&PTNT, về lâu dài, để bảo vệ vườn sầu riêng và diện tích cây ăn trái các huyện phía Tây, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng các cống thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 nhằm ngăn mặn, ngăn triều cường, lấy nước ngọt, xả lũ… Đồng thời, từng bước nâng cấp hệ thống bờ bao, cống tại cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp kết hợp với giao thông nông thôn tại những vị trí có yêu cầu, đảm bảo đủ khả năng ngăn mặn. Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện các công trình trữ nước ngọt phía đầu nguồn để đảm bảo nước phục vụ sản xuất khi hạn, mặn xảy ra.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) Nguyễn Văn Út, mùa hạn, mặn vừa qua đã ảnh hưởng gần 190 ha sầu riêng trên địa bàn xã. Trong đó, diện tích thiệt hại trên 70% và chết khoảng 120 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30% - 70% gần 67 ha. Đến nay, một số diện tích bị thiệt hại đã được người dân tiếp tục chọn cây sầu riêng để trồng lại, chủ yếu là giống Ri6 do chịu mặn tốt hơn giống Monthong. Một số diện tích chưa trồng lại do người dân đang cố gắng khôi phục những cây suy kiệt, có hộ do gặp khó khăn về vốn. Hiện xã đang khuyến khích các hộ dân bị thiệt hại tiếp tục trồng lại cây sầu riêng do giá trị kinh tế từ cây trồng này mang lại cao. Tuy nhiên, để người dân yên tâm sản xuất, thời gian tới, xã đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống hạn, mặn, tăng cường công tác ngăn mặn, trữ ngọt.

Là một trong những xã có sầu riêng chết nhiều nhất trên địa bàn huyện Cai Lậy, Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm cho biết, toàn xã có hơn 1.400 ha sầu riêng, trong đó, có khoảng 700 ha bị chết và thiệt hại trên 70%. Sau khi nghe chủ trương xây dựng các cống thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864, người dân đã mạnh dạn trồng lại cây sầu riêng. Cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao nên xã cũng khuyến khích người dân trồng lại cây trồng này.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.