Thứ Hai, 26/10/2020, 10:23 (GMT+7)
.

Cao tốc và niềm tin của hơn 20 triệu dân

Hơn 12 năm là khoảng thời gian mà trên 20 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mong mỏi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng. Sau nhiều lần “dang dở”, đến nay tuyến cao tốc này đang dần hình thành với sự nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị có liên quan.

Dự án đang dần hình thành trong sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị có liên quan.
Dự án đang dần hình thành trong sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị có liên quan.

Đến thời điểm này, thời gian còn lại để thực hiện Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án) chỉ tính bằng ngày so với cam kết thông tuyến vào cuối năm 2020 của chủ đầu tư (Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (DNDA)) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Tiền Giang).

Những ngày qua, mưa liên tục đã ảnh hưởng lớn đến việc thi công trên công trường. Đặc biệt, đối với Dự án, tiến độ đang tính bằng ngày nên áp lực về thời gian càng lớn hơn. Vượt qua thời tiết bất lợi, các nhà thầu đang tập trung nguồn lực để thi công các gói thầu đảm trách. Làm việc 3 ca, tập trung nhân, vật lực phục vụ công tác thi công là những giải pháp mà các nhà thầu đang triển khai.

Có mặt xuyên suốt trên công trường, ông Nguyễn Trường Lâm, Phó Ban điều hành dự án Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cho biết, những ngày qua, mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác thi công của đơn vị. Tuy nhiên, phía nhà thầu đã cố gắng để đảm bảo tiến độ gói thầu. Theo đó, đơn vị đã tổ chức thi công ban đêm để bù đắp những ngày mưa, tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị để thi công đồng loạt. Từ lãnh đạo công ty cho đến công nhân đều quyết tâm nỗ lực thi công vì mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, khi được Chính phủ giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ tháng 3-2019, với số lượng công việc đồ sộ, khó khăn lớn nhất của tỉnh là chưa có kinh nghiệm trong thực hiện đường cao tốc. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, đến thời điểm này, Dự án đang được đảm bảo tiến độ, chất lượng đã được kiểm soát chặt chẽ. Hiện các khó khăn của Dự án đã được tháo gỡ, vấn đề còn lại chỉ là thi công và giám sát chất lượng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, có thời điểm một số gói thầu của Dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến mốc thông tuyến vào cuối năm 2020. Với trách nhiệm, quyết tâm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Tiền Giang đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở đó, hiện DNDA đang triển khai thực hiện 31/36 gói thầu, 5 gói thầu còn lại sẽ tiếp tục triển khai theo tiến độ. Tiến độ Dự án hiện đạt hơn 70% so với mốc thông tuyến vào cuối năm 2020, hơn 51% so với mốc hoàn thành vào năm 2021.

các nhà thầu đang nỗ lực thi công để đưa Dự án thông tuyến vào cuối năm 2020.
các nhà thầu đang nỗ lực thi công để đưa Dự án thông tuyến vào cuối năm 2020.

Đảm bảo tiến độ nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Dự án. Do đó, việc giám sát chất lượng đang được UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị có liên quan kiểm tra chặt chẽ. Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, đến nay chất lượng thi công các gói thầu của Dự án đã được DNDA và các nhà thầu triển khai thi công đạt yêu cầu theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

Đến thời điểm này có thể nhận thấy, với sự quyết tâm của Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền,DNDA, các nhà thầu, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang dần hình thành trong sự mong đợi của người dân ĐBSCL. Vấn đề hiện nay là trong khoảng thời gian còn lại, việc triển khai Dự án phải được đảm bảo tiến độ, chất lượng. Hơn 12 năm là khoảng thời gian người dân ĐBSCL hy vọng, chờ đợi vào tuyến cao tốc này để không còn phải gặp cảnh kẹt xe, tắc đường trên tuyến Quốc lộ 1. Hơn bao giờ hết, niềm tin ấy phải được đáp lại bằng hành động và quyết tâm để đưa Dự án về đích đúng tiến độ.

D. SƠN - M. THÀNH

.
.
.